Lời Dẫn: Chuyện kể "Một con người năm ba câu chuyện" - Link nguồn của báo trong nước về những mẫu chuyện Ho Chi Minh về thăm quê kèm các bài viết trong nước trong trang này bên dưới
___________________________
Nguyễn Ngọc Nhi
*** Câu chuyện và hình ảnh bác Hồ về thăm quê ở Nghệ An cũng là láo toét nốt?
Sau khi đặt câu hỏi tại sao bác Hồ chẳng có tấm hình nào chụp chung với người thân , cũng chẳng có tấm hình nào chụp viếng mộ mẹ ruột là bà Hoàng Thị Loan , có bạn cho mình biết ông Hồ có về thăm quê ở Nghệ An và có chụp nhiều hình ảnh , mình liền đi tìm hiểu , thì hỡi ơi ! Câu chuyện và hình ảnh ông về thăm quê cũng là giả tạo , láo toét nốt ?
Gúc trên mạng thì thấy báo đảng có khá nhiều bài viết kể chuyện HCM về thăm quê ở Nghệ An , đều nói là do các nhân chứng đã đưa ông đi hoặc đã đón ông về , nhưng cái lạ là mỗi người kể mỗi khác !! Và đặc biệt hơn nữa những tấm hình nói là của " bác ngày về thăm quê " toàn thấy chụp ngoài đường , KHÔNG CÓ 1 TẤM HÌNH NÀO CHỤP HCM TRONG NGÔI NHÀ HƯƠNG HỎA CỦA GIA ĐÌNH !!
Ngay mở đầu các câu chuyện kể về việc ông Hồ làm cách nào đi từ Hà Nội về Nghệ An cũng khác nhau . Có bài báo thì viết ông Hồ đi máy bay , mọi người ra sân bay đón , bài khác lại viết ông đi bằng xe ô tô , chạy hơn 300 cây số vừa đường nhựa vừa đường ruộng , hết cả ngày rất mệt mỏi , có bài lại nói ông đi bằng trực thăng ?!
Đa số các bài viết là dựa theo lời kể của ông A ông B nào đó , người đã tận mặt đưa đón bác , nhưng mấy ông đó đều chết hết cả rồi ! Câu chuyện của 1 ông cận vệ còn sống , thì kể nghe cứ như là chuyện phim Z 28 , nào là kế hoạch bảo vệ bác Hồ được trung ương lên từ nhiều ngày trước , nào là bao nhiêu bộ đội phải đi trước dò mìn gỡ mìn kẻo bác đập trúng thì toi mạng , nào là ông phải đeo súng đi kè kè bên cạnh đề phòng mọi hiểm nguy ( ủa bộ lúc đó bà con quê bác có nhiều người muốn ám sát bác lắm hay sao mà lắm nguy hiểm thế ? tongue emoticon ) . Một bài khác do ông tài xế đích thân chở bác lại ca tụng rằng bác rất giản dị nên chẳng cần chuẩn bị gì cả , chỉ mỗi ông là 1 bưu tá quèn được vinh dự chọn đi chở bác , không có ai đi cận vệ ?!
Trang Tennguoidepnhat thì kể ông Hồ vừa về quê là lập tức đến ngay ngôi nhà hương hỏa . Ngôi nhà của ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lúc làm quan vinh quy bái tổ được xây . Truyện kể ông Hồ đi khắp nhà thăm thú , tả lại chỗ này chỗ kia lúc ông còn nhỏ , khiến người dân đi theo nghe cảm động quá xá . NHƯNG LẠI VẪN KHÔNG CHỤP TẤM HÌNH NÀO TRONG NHÀ !!
Trang VAPCF lại đăng bài kể lần đầu ông Hồ về thăm quê chỉ đi thăm cơ sở hành chánh , xong đi gặp và làm việc với 40 chuyên gia Liên Xô , chấm hết ! Không hề nói ông về thăm nhà cũ !!
Phải nói đọc 1 hồi mình chóng cả mặt , phục bác sát đất , bác cứ như là Tề Thiên Đại Thánh í , cùng trong 1 ngày có thể phân thân ra đi làm nhiều việc khác nhau , dùng nhiều phương tiện di chuyển khác nhau , đóng được trọn vẹn bao nhiêu vai diễn khác nhau trong từng câu chuyện được kể !!!
Đến chuyện HCM về thăm quê mà còn láo toét , ngụy tạo thì còn chuyện gì của cộng sản là thật nữa không ??
________________________________
Sau đây là vài ba câu cbhuyện Hồ về thăm Quê Khác nhau trên cùng thời điểm:
1/. Anh bưu tá 2 lần chở Bác Hồ về thăm quê (Bấm vô tên bài để xem link gốc)
Là nguyên thủ quốc gia, thế nhưng khi về thăm quê, Chủ tịch Hồ Chí Minh có khi lại chỉ đi chiếc ô tô giản dị do một người bưu tá điều khiển.
Ông Nguyễn Đình Ngọc, người có vinh dự được Bác 2 lần ngồi trên chính chiếc ô tô do mình cầm lái kể lại dù đã hơn 50 năm kể từ lần đầu tiên được gặp Bác nhưng với ông, đó là kỷ niệm và niềm vinh dự lớn nhất trong cuộc đời.
Ông Ngọc (bên phải) kể chuyện 2 lần chở Bác về thăm quê cho con trai nghe
Vị lãnh tụ giản dị
Ông Nguyễn Đình Ngọc sinh ra và lớn lên tại Thọ Hạc, Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay là phường Điện Biên Phủ, TP Thanh Hóa). Năm 1946 ông vào quân ngũ và học lái xe. Đến năm 1953, ông được điều động lái xe chở hàng chi viện phục vụ chiến trường Điện Biện Phủ. Trong giai đoạn này, ông còn vinh dự được Chính phủ giao chở đoàn công tác của Ấn Độ sang thực hiện Hiệp định Giơnevơ ở Việt Nam.
Sau khi giải phóng Điện Biên Phủ, ông Ngọc được điều chuyển về Nghệ An lái xe cho Tỉnh ủy, với nhiệm vụ vận chuyển công văn, thư từ hỏa tốc đến các vùng. Cũng từ đó, anh về sinh sống cùng vợ con ở khối 4, phường Lê Lợi (TP Vinh).
Ông Ngọc kể: Ngày 13/6/1957, Tỉnh ủy họp phiên đột xuất và thông báosáng mai (tức 14/6) tỉnh sẽ đón một cán bộ cao cấp của trung ương tại sân bay Vinh. Tất cả thông tin về chuyến đi này được tuyệt đối giữ bí mật, kể cả danh tính của vị lãnh đạo ấy. ông Ngọc được giao nhiệm vụ lái xe phục vụ và bảo vệ vòng ngoài.
Giờ G đã đến, tất cả thực hiện đúng nhiệm vụ đã được phân công. Khi chiếc máy bay trực thăng hạ cánh, ai nấy đều hồi hộp. Một người đàn ông mang bộ ka ki bạc màu bước ra cầu thang máy bay. Dù chưa một lần gặp mặt, nhưng ai nấy đều nhận ra đó là Bác Hồ. Tất cả chạy ùa về phía Bác. Bác bắt tay, ôm hôn mọi người và bất ngờ bước lên chiếc xe commăngca cũ kỹ của ông Ngọc chứ không phải chiếc xe chở khách chuyên dụng sang trọng hơn mà Tỉnh ủy Nghệ An đã chuẩn bị trước đó.
"Lúc đó xe cộ đông đúc và lộn xộn. Vui và hồi hộp quá, tôi quên mất nhiệm vụ cấp trên giao mà chỉ biết thực hiện theo mệnh lệnh của Bác. Theo lời Bác, tôi cho xe chạy thẳng về trung tâm TP Vinh. Những chiếc xe khác cứ chạy theo phía sau, các cận vệ tỏ ra lo lắng. Bác bảo tôi chở Bác tham quan một vòng để vẫy chào bà con 2 bên đường và đi về thăm quê hương Kim Liên (Nam Đàn). Thông qua hệ thống phát thanh nên hầu hết người dân Nghệ An, Hà Tĩnh đều đã biết Bác Hồ về thăm quê nên người ở dọc tuyến đường từ Vinh lên Kim Liên cứ nườm nượp từng đoàn người", ông Ngọc kể lại.
Ông Ngọc cho biết, là người rất cẩn thận, giữ an toàn nên trên quãng đường, Bác không nói chuyện với lái xe mà chỉ vẫy tay chào nhân dân 2 bên đường đứng đón Bác. Nghe tin Bác về quê, ai ai cũng náo nức, phấn khởi chờ Bác từ rất sớm. Trong một buổi sáng tháng 6 nắng chan hòa, với bộ quần áo ka ki, đôi dép cao su mòn gót, Bác tươi cười vẫy chào nhân dân. Cả rừng người hò reo mừng đón Bác.
Câu chuyện xúc động
Khi về tới quê, một vị lãnh đạo tỉnh mời Bác đi vào nhà khách mới được xây dựng, nhưng Bác ngăn lại: "Bác xa nhà, xa quê đã lâu rồi nên phải về thăm nhà trước đã. Nhà khách là dành để tiếp khách, cho khách ở. Chứ Bác là người nhà chứ có phải là khách đâu!".
Ông Nguyễn Đình Ngọc bên chiếc xe đã 2 lần chở Bác Hồ về thăm quê
Đến trước chiếc cổng tre dẫn lối đi vào nhà ngang thấy hàng chữ ghi trên tấm bảng nhỏ "Nhà Bác Hồ", Bác liền quay lại bảo: "Viết thế này là chưa đúng. Đây là nhà cụ Phó Bảng chứ có phải là nhà của Bác Hồ đâu". Đúng như Bác nói, ngôi nhà này chính dân làng Kim Liên đã góp công, góp sức dựng mừng quan Đại khoa Nguyễn Sinh Sắc nhân dịp ông thi đậu Phó bảng khoa thi Hội năm Tân Sửu 1901.
Rồi Bác bước vào trong và tiếp tục phê bình: "Các chú mở lối như thế này là sai. Cổng nhà cụ Phó Bảng ở hướng Đông, chứ đâu phải chỗ này". Điều này cho thấy trí nhớ của Bác rất tốt. Đã 50 năm Bác bôn ba khắp nơi, nay mới trở về thăm quê, thăm nhà lần đầu nhưng Bác vẫn không quên bất cứ điều gì ở đây.
Bác đứng tần ngần, nhìn bao quát 2 ngôi nhà và chỉ cho những người đi theo, đâu là nơi trồng cây ổi, chỗ nào có cây thanh yên... đã mọc trên mảnh vườn xưa của nhà Bác. Bác đi vào nhà, đi đến đâu Bác chỉ cho mọi người vị trí đặt, để các đồ vật. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của Người.
Bác lại đi ra sân, đứng ngắm lại ngôi nhà đã gắn bó một giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời Bác. Ngôi nhà này là nơi chứng kiến quá trình lao động, học tập và trưởng thành của Bác; là nơi ghi dấu những cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước, về nhận thức xã hội và ghi dấu những hoạt động cứu nước bước đầu của Người.
Trong buổi sáng mùa hè đặc biệt ấy, ngay trước sân nhà mình, Bác đã xúc động nói: "Tôi xa quê đã 50 năm rồi. Thường tình người ta xa nhà, lúc trở về thì mừng mừng tủi tủi. Nhưng tôi không tủi mà chỉ thấy mừng. Bởi, khi tôi ra đi, nhân dân ta còn nô lệ, bị bọn phong kiến đế quốc đè đầu cưỡi cổ. Bây giờ tôi về thì đất nước đã được giải phóng, nhân dân đã được tự do".
Gần 4 năm sau, ngày 8/12/1961, Bác Hồ lại về thăm quê lần thứ 2. Đảng bộ và nhân dân Nghệ An tiếp tục được đón Bác tại sân bay Vinh trong niềm vui vô bờ. Lần này, ông Ngọc được lãnh đạo tỉnh tin tưởng giao nhiệm vụ tháp tùng Bác. ông Ngọc còn nhớ rất rõ, đó là chiếc máy bay mang ký hiệu BS 58482. Lần về thăm quê này, Bác tóc đã bạc hơn.
"Gặp ai Bác cũng dặn dò. Bác căn dặn phải siêng năng lao động sản xuất, phải yêu nước. Không ai ngờ đó cũng là lần cuối cùng Bác trở về nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình", ông Ngọc kể.
Khi bài viết này lên trang thì nhân vật Nguyễn Đình Ngọc vì tuổi cao sức yếu đã qua đời. Trong lần gặp chúng tôi cuối cùng để cung cấp tư liệu cho bài viết, ông Ngọc bồi hồi: "Chỉ là một anh bưu tá, đưa thư, trước đó tôi chưa bao giờ dám tin một ngày được gặp Bác. Vậy mà đã 2 lần tôi có vinh dự được lái xe chở Bác về thăm quê. Vinh dự này không phải ai trong đời cũng 1 lần có được".
Phan Xuân Hồng
_________________________________
2/. Bác Hồ về thăm quê (Cập nhật ngày: 10/08/2007 - 08:12:24 AM ) Báo VAPCF (Bấm vô tên bài để xem link gốc)
Năm 1957, Bác về thăm quê lần thứ nhất. Tối 13.6.1957, Phó Chủ tịch Liên khu IV Hoàng Văn Diệm, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Trường Khoát, Chủ tịch UBND tỉnh NA Nguyễn Sỹ Quế ra tận khe Nước Lạnh đón Bác.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo lễ đón chỉ ngắn gọn, để Bác nghỉ sau gần một ngày trên lộ trình 300 cây số QL IA đang vừa là đường, vừa là... ruộng. Sáng hôm sau, Bác dậy tập thể dục và bách bộ khắp khu vực cơ quan. Bác hỏi: - Làm được mấy nhà rồi chú? Bí thư Tỉnh uỷ và ông Phượng đều lúng túng, hai ông nhẩm đếm. Thấy vậy Bác cười: - Ơ hay, bây giờ các chú mới đếm? Ông Khoát gãi đầu: - Dạ thưa Bác, vì nhiều việc quá cháu chưa kịp nắm! Bác nhẹ nhàng: - Dù bận trăm công ngàn việc, chú phải biết từ việc lớn đến việc nhỏ trong cơ quan! Chiều 14.6, ông Phượng đang lo sửa soạn hội trường để 19h tối Bác gặp đoàn chuyên gia Liên Xô giúp ta xây dựng Nhà máy điện Vinh, khoảng 17h công việc gần xong, Bác bách bộ vào hội trường: - Các chú chuẩn bị để Bác tiếp chuyên gia Liên Xô tối nay? - Dạ! Nhìn chiếc ghế gụ đặt trang trọng giữa hội trường, Bác hỏi: - Các chú đặt chiếc ghế gụ này làm gì? Chưa biết trả lời thế nào, Bác đã hỏi tiếp: - Có bao nhiêu khách? - Thưa Bác: 40 chuyên gia, 20 cán bộ của T.Ư và tỉnh! - Có đủ 60 chiếc ghế gụ không? - Thưa Bác, chỉ có 4 chiếc trong phòng Bác tiếp khách, chúng cháu mang đến 1 chiếc, toàn cơ quan đang ngồi ghế băng! - Chú hãy cất chiếc ghế gụ đi, để Bác ngồi chung với mọi người! Cất chiếc ghế gụ thì dễ, nhưng không biết bố trí Bác ngồi chỗ nào tiếp khách tối nay? Lo lắng song cũng phải khiêng chiếc ghế gụ trả về chỗ cũ. Bác nhìn lên 2 chiếc quạt trần trong hội trường: - Bữa nay trời nóng, dù cuộc gặp diễn ra ban đêm liệu 2 chiếc quạt có đủ mát cho sáu chục người không? Chú điện sang thương nghiệp, nhờ mua 60 chiếc quạt giấy. Không đủ quạt giấy thì quạt lá cọ, quạt mo cau cũng được, miễn là mỗi người một chiếc để tự quạt lấy! Suốt buổi tiếp, Bác trực tiếp nói tiếng Nga với bốn chục chuyên gia Liên Xô. Sau lời mở đầu của Bác, cả hội trường râm ran tiếng Việt - tiếng Nga. Các chuyên gia Liên Xô đồng loạt viết dòng chữ "Chủ tịch Hồ Chí Minh" bằng tiếng mẹ đẻ lên nan quạt. Kết thúc cuộc vui, các bạn xin Bác cho được cất giữ món quà đặc biệt ấy. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 40 "chiếc quạt Hồ Chí Minh" do người dân quê Bác làm trở thành kỷ vật cùng các chuyên gia trở về Liên Xô! Năm 1961, Nghệ An đón Bác về thăm quê lần 2 rất long trọng. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh có 2 chiếc xe cũ, phải mượn thêm chiếc xe mới của Quân khu IV trải ga trắng trong xe, kết hoa lộng lẫy quanh xe ra sân bay đón Bác. Đúng 12h30 ngày 8.12, máy bay của Bác hạ cánh xuống sân bay Vinh. Chính uỷ QK IV Chu Huy Mân, Bí thư Tỉnh uỷ Võ Thúc Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Ân mời Bác lên chiếc xe kết hoa. Nhìn khắp lượt, Bác nhanh nhẹn tiến đến chiếc Uoát của bộ phận bảo vệ và ngồi lên ghế phía trước, Bác bảo tháo cất tấm bạt để Bác vẫy đồng bào đang đứng hai bên đường chào đón. Tình huống bất ngờ diễn ra quá nhanh, nên khi chiếc xe mui trần chở Bác bon bon hướng vào Vinh, bấy giờ mọi người ra đón cuống cuồng lên xe, thôi thì ai gặp xe nào lên xe nấy để kịp xe của Bác. Chiếc xe kết hoa rớt lại sau. Cụ Lê Nhu (nguyên Chủ tịch UBKC tỉnh Nghệ An) cùng mấy người chậm chân đành ngồi lên chiếc xe sang trọng. Chẳng là da dẻ cụ Lê Nhu hồng hào, râu tóc cũng bạc phơ, hàng ngàn người dân chưa gặp Bác bao giờ cứ kháo rằng, xe đi trước chở nhân vật đóng Bác Hồ, người ngồi trong xe kết hoa sang trọng mới là Bác Hồ thật (!). Khi xe chở Bác đã gần tới trụ sở Tỉnh uỷ giữa tiếng hoan hô của đồng bào nội thành Vinh, bấy giờ chiếc xe kết hoa chở cụ Lê Nhu vẫn giữa dòng người trên suốt đường Quán Bàu, với tiếng hô dậy đất: Hồ Chủ tịch muôn năm! Cụ Lê Nhu phải mở cửa xe hét to: Không phải mô. Tui là Lê Nhu, xe chở Bác Hồ về trước rồi! Xuống xe, Bác không vào nhà khách được trang hoàng lộng lẫy, ở đó các đồng chí Tỉnh uỷ và QK IV đang chờ đón Bác. Bác bảo Bí thư Tỉnh uỷ Võ Thúc Đồng dẫn vào nhà ăn tập thể cơ quan. Người tự tay nâng chiếc lồng bàn, trong đó bày cơm trắng và mấy món ăn thịnh soạn: - Cơ quan cho anh em ăn tốt đấy chứ ? - Thưa, hôm nay Bác về thăm quê, cơ quan quyết định cho anh em cải thiện, ngày thường không có đâu ạ! Năm 1960, Bác đề xuất chủ trương ăn độn, kêu gọi thắt lưng buộc bụng chi viện lương thực cho chiến trường miền Nam. Trưa ấy, nhà khách Tỉnh uỷ chuẩn bị tiệc đón Bác gồm mấy chục suất ăn thịnh soạn. Gần đến giờ khai tiệc, đồng chí Nguyễn Khai - Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức - mới nói với bộ phận văn phòng: - Anh Đồng, anh Quế được ngồi với Bác, các cậu mang cơm nước lên! Chọn 4 đôi đũa, mấy chiếc bát chiếc đĩa in rồng bay phượng múa đẹp nhất, cơm trắng, thức ăn ngon, trong đó có 2 món tương Nam Đàn, cà Nghi Lộc được mang lên phòng Bác. Mọi thứ bày soạn tươm tất trên bàn, Bác lấy chai rượu mang theo rót ra 4 chén: -Trước khi dùng cơm, Bác mời các chú một chén rượu khai vị của Bác! Uống xong chén rượu, các đồng chí Nguyễn Khai, Võ Thúc Đồng, Nguyễn Sỹ Quế chuẩn bị cầm bát xới cơm do VP Tỉnh uỷ bố trí, Bác ngăn lại và lấy ra gói cơm độn ngô cắt sẵn 4 miếng: - Trước khi ăn cơm chung, Bác mời các chú ăn một lát cơm với cá rô kho của Bác mang từ Hà Nội vào. Bác chỉ có chừng này thôi, những thứ trên bàn là của chú Đồng, chú Quế! Bác cùng 3 người ăn hết gói cơm độn ngô, sau đó mới dùng đến cơm do VP chuẩn bị. Bác khen cà Nghi Lộc ngon, tương Nam Đàn tốt. Bữa đó, VP chuẩn bị nhiều các món ăn. Bác bảo: - Cơm trắng, thức ăn ngon của chú Đồng, chú Quế, anh em đã chuẩn bị thì trách nhiệm chúng ta phải ăn hết, không được để thừa cái gì! Cuối cùng chỉ còn lại ông Đồng, ông Quế chủ nhà phải "bám trụ chiến đấu" bằng hết món cà Nghi Lộc và tương Nam Đàn. Đồng chí Nguyễn Khai chỉ biết bấm bụng cười! Lát sau, đồng chí Võ Thúc Đồng xuống gặp ông Phượng: - Bữa ni các cậu làm hại mình, không biết lấy nước mô mà uống! | |
Theo Báo Lao Động
|
_____________________________________
3/. Hồi ức người lính bảo vệ Bác Hồ khi Người về thăm quê
3/. Hồi ức người lính bảo vệ Bác Hồ khi Người về thăm quê
(Bấm vô tên bài để xem link gốc)
“Những đoạn đường được công binh kiểm tra cẩn thận Bác không đi. Người rẽ vào những con đường nhỏ để thăm hàng xóm. Những lúc đó, chúng tôi toát cả mồ hôi vì lo cho sự an nguy của Người”.
Bác Hồ về thăm quê hương lần thứ nhất, năm 1957 (Ảnh tư liệu)
Đó là tâm sự của ông Nguyễn Mạnh Tấn (còn có tên gọi khác là Chu Mạnh Tấn) - người được vinh dự giao nhiệm vụ bảo vệ, đảm bảo an toàn cho Bác Hồ trong dịp Người về thăm quê hương Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) lần thứ nhất, năm 1957.
Sinh năm 1927 ở Thái Bình, bước sang cái tuổi 86, ông Tấn không còn được minh mẫn như trước nữa. Đặc biệt là sau 2 cái tang đột ngột của con gái và cháu ngoại. Nhiều chuyện đã xảy ra, ông nhớ nhớ, quên quê nhưng kỉ niệm được gặp Bác Hồ bằng xương bằng thịt, được tham gia bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Người, cứ như một cuốn phim được lưu giữ mãi trong ký ức của ông. Hôm nay, trong ngôi nhà khang trang ở xóm 14, xã Nghi Phú (Tp Vinh), cuốn phim ấy đã được tái hiện cho chúng tôi bằng giọng kể run run xúc động.
Sinh ra trong một gia đình địa chủ, ông được cho ăn học tử tế và nổi tiếng là người thông minh, học giỏi. Lớn lên đúng lúc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám diễn ra, ông từ giã bút nghiên, tham gia hoạt động cách mạng. Cách mạng thành công, Nguyễn Mạnh Tấn lên đường nhập ngũ. Năm 1946, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Sau một thời gian công tác tại Trường Trần Quốc Tuấn với chức danh Hiệu ủy viên, ông được giao nhiệm vụ tuyển quân ở vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh để phục vụ cho chiến trường Điện Biên Phủ. “Đang thực hiện nhiệm vụ tuyển quân thì cán bộ Trung ương báo tin Bác Hồ sẽ về thăm quê và giao cho tôi nhiệm vụ chuẩn bị công tác đón và bảo vệ Bác. Nhiệm vụ được giao trước khi Bác về thăm quê có mấy ngày thôi nên anh em chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Sợ thời gian quá gấp rút, khó hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng vinh dự này không phải ai cũng có được. Chính vì vậy, tất cả anh em đều quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, ông Tấn nhớ lại.
Ngay ngày hôm đó, các kế hoạch bảo vệ Bác Hồ được triển khai, đơn vị ông Tấn có nhiệm vụ chuẩn bị đường sá và mọi công tác nhằm đảm bảo an toàn, thuận lợi cho Bác. Ông Tấn cho công binh đến rà mìn đoạn đường từ trung tâm huyện Nam Đàn đến xã Kim Liên. Tất cả các trục đường chính được lực lượng công binh rà soát cẩn thận, kỹ càng, rà đến đâu ông bố trí cho lực lượng bộ đội cải trang bảo vệ đến đó.
Công việc này được tiến hành trong vòng 4 ngày. Các công tác an ninh cũng được nhanh chóng hoàn thành. Ông Tấn còn được cấp trên trang bị một khẩu súng lục và giao nhiệm vụ phải luôn luôn có mặt bên cạnh Bác để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Người.
Sáng 14/6/1957, ông cùng các đồng chí trong đơn vị ra quốc lộ đón Bác. Giây phút chờ đợi bao nhiêu lâu nay đã thành hiện thực. Nhìn thấy Bác, bằng xương bằng thịt, ông chỉ muốn chạy thật nhanh đến bên Người nhưng rồi nhanh chóng trấn tĩnh lại để thực hiện nhiệm vụ của mình. Đoàn của ông Tấn theo sát bên đoàn xe ôtô của Bác. 8 giờ, xe chở Bác Hồ đỗ trong sân vận động xã.
Bác bước xuống xe, mỉm cười nhìn quanh một lượt rồi vẫy tay chào mọi người. Bác ân cần hỏi han từng người. “Gặp Bác, tôi cứ ngỡ mình đang nằm mơ. Bác Hồ ở ngoài đẹp lắm, da hồng hào, miệng luôn nở nụ cười. Bác rất giản dị, hôm đó Người mặc bộ quần áo kaki màu trắng, chân đi dép cao su. Trong lúc Bác chào mọi người, Bác quay sang chỗ tôi, vỗ vai rồi bắt tay hỏi tôi tên gì, quê ở đâu rồi nhắc nhở, động viên anh em chúng tôi phải phấn đấu làm việc thật tốt” - Ông Tấn xúc động nhớ lại.
Nghe tin Bác Hồ về thăm quê, bà con trong xã chạy ùa ra sân vận động để đón. Gặp Bác từ già, trẻ, gái, trai không giấu được niềm xúc động, nhiều cụ già gặp Bác sau hơn 50 năm xa cách đã không cầm nổi nước mắt. Sau khi chào hỏi mọi người, Bác rảo bước về ngôi nhà lá 3 gian Người đã sống từ thủơ ấu thơ.
Trước bàn thờ tổ tiên và những kỷ vật gắn liền với kỷ niệm thời thơ ấu của mình vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, Bác trầm ngâm, khoé mắt ngấn lệ. Bác nói với bà con rằng, ngày xưa nhà Bác nghèo, bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân, chỉ dùng hai miếng gỗ đóng vào hai bên cột cho chắc chắn thôi. Sau khi thăm ngôi nhà thời thơ ấu của mình, Bác đi một vòng thăm bà con xóm làng xem sự thay đổi của quê hương.
Lúc này cũng là lúc ông Nguyễn Mạnh Tấn bắt đầu lo sợ bởi những con đường chính dự kiến Bác Hồ sẽ đi qua, được lực lượng công binh kiểm tra kỹ càng thì Bác không đi. Bác chọn những con ngõ nhỏ, vòng vèo vốn đã theo dấu chân Người thuở thơ ấu. Mỗi bước chân của Người trên con đường quê quen thuộc, ông Tấn gần như nín thở, căng mắt ra để theo dõi, đề phòng những tình huống phát sinh. Mỗi đoạn đường Bác đi qua bình an, ông Tấn mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
“Trưa hôm đó, chính quyền xã Kim Liên chuẩn bị nơi ăn chốn nghỉ cho Bác và mời Người ở lại dùng cơm nhưng Bác kiên quyết từ chối. Bác bảo rằng, Bác là người con xa quê đã hơn 50 năm, giờ được về thăm quê Bác muốn đi thăm hỏi, trò chuyện thật nhiều với bà con.
Bác còn nói rằng, người ta đi xa lâu ngày thì mừng mừng tủi tủi còn Bác thì mừng chứ không tủi, vì khi ra đi nước nhà còn nô lệ, bây giờ về nước nhà đã được độc lập, tự do. Nói rồi Bác đọc hai câu thơ: “Quê hương nghĩa nặng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”,nhiều người dân xã kim Liên có mặt ở đó không khỏi xúc động bởi tình cảm sâu nặng bác dành cho quê hương”, ông Tấn kể tiếp.
Hơn 55 năm đã trôi qua, màu thời gian đã hằn lên mái tóc và khuôn mặt của người lính già nhưng kỷ niệm về lần được bảo vệ Bác Hồ vẫn nguyên vẹn trong ký ức của ông. Đối với ông, được gặp Bác, được tham gia bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Người là niềm vinh dự lớn nhất trong cuộc đời mình.
Hoàng Lam
.