Saturday, October 25, 2014

Cựu chiến binh John Thabor tức Lm. Dương Tấn Bằng - Linh Mục người Việt Gốc Mỹ.

RFA 05/5/2010 - Khi được lệnh sang tham chiến tại Việt Nam năm 1966, một người lính trẻ Hoa Kỳ không bao giờ nghĩ mình có thể gắn bó với đất nước này đến nỗi xin ở lại để trở thành linh mục.

Trở thành bằng hữu

Sau ngày 30 tháng Tư, ông chỉ mong được chính quyền mới cho ở lại cùng giáo dân của mình. Tháng Mười năm 1975 ông bị đẩy lên máy bay qua Thái Lan mà không có một mảnh giấy tuỳ thân. Rồi cuộc đời đưa đẩy ông về làm linh mục tại tỉnh Udonthani miền Bắc Thái Lan từ ngày ấy đến giờ.

Cựu chiến binh John Thabor tức linh mục Dương Tấn Bằng, kể lại với Thanh Trúc câu chuyện từ người lính Mỹ đến người tu sĩ Công giáo Việt Nam: “Tên của cha bằng tiếng Mỹ là John Thabor. Năm 1966, cha đi lính ở Việt Nam, rồi có một ông cha đỡ đầu gọi là cha dưỡng phụ Nguyễn Lân Mẫn, bây giờ ngài đang làm giáo xứ đại chủng viện ở Huế của Xuân Bích, đổi tên John Thabor thành Dương Tấn Bằng. Họ Dương là người nước ngoài, Tấn là tiến tới, Bằng là bằng hữu. Dương tấn Bằng có ý nghĩa là một người nước ngoài đến để làm bạn.”

Thanh TrúcThưa cha, khi bắt đầu đi tu thì cha làm thế nào để ra khỏi quân đội?

LM Dương Tấn Bằng: “Lúc đầu rất rắc rối vì chính phủ Việt Nam đòi phải có giấy phép của chính phủ Mỹ, một thẻ lưu trú, một hộ chiếu. Thế mà Toà Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn nói là nếu không có thẻ lưu trú của nước Việt họ sẽ không cấp hộ chiếu.

Bộ Nội Vụ của nước Việt Nam thì nói nếu không có hộ chiếu họ sẽ không cho thẻ lưu trú. Cho nên ban đầu coi như là không được. Nhưng mà các cha vận động bằng cách nào không hiểu mà đâu ra đấy cũng là ý Chúa. Cha được giải ngũ ra và bắt đầu vận áo dòng và học tiếng để sửa soạn vào Đại Chủng Viện ở Sài Gòn”.

Thanh TrúcCha học tiếng Việt như thế nào, có dễ học hay không?

LM Dương Tấn Bằng: “Khó như quỷ! Lúc đầu cha không biết những cái dấu, tiếng Việt Nam là độc âm, mỗi âm một tiếng khác nhau. Lúc đầu thấy khó lắm mà sau một thời gian học với các chú tiểu chủng sinh ở chủng viện thánh Gioan 23 ở Đà Nẵng thì đã bắt đầu biết tiếng và nói được.”

Thanh TrúcTừ một G.I trong quân đội Mỹ rồi trở thành một linh mục thì có cái khó khăn nào mà cha cần phải vượt qua?

LM Dương Tấn Bằng: “Cái khó khăn là tại tâm, vì chính cha tự hào cha là người tốt, cha là người biết mọi sự vì là người Mỹ. Cái mặc cảm tự tôn cho rằng không ai có thể dạy cha. Ngay cả vấn đề sống và giữ đức tin, cha đã sống cuộc đời không phải là vị tha mà vị kỷ, sống đạo vì cha mẹ bắt đi lễ nhà thờ nhà thánh.

Mà khi sang Việt Nam thì thấy làm sao mà trong một nước có chiến tranh, trong sự đau khổ sự thiếu về vấn đề vật chất mà họ vẫn có đức tin mạnh như vậy. Điều đó làm cho cha bắt đầu nghĩ nhiều đến đời sống nội tâm của mình, nên khi bắt đầu tu cha có một sự phấn khởi, cảm thấy mình lĩnh hội và hiểu sâu xa về vấn đề đức tin hơn.”

Thanh TrúcĐến năm nào thì cha thụ phong linh mục?

LM Dương Tấn Bằng: “Học xong chương trình Đại Chủng Viện năm 1974. Đáng lẽ ra chịu chức linh mục ở tại Việt Nam mà cha chịu chức Sáu do Đức Cha Phạm Ngọc Chi ở Đà Nẵng truyền chức cho cha. Vì mười năm trời không về nhà một lần thăm cha mẹ nên cha đã xin phép Đức Cha cho về Mỹ chịu chức ở bên Mỹ. Đức Cha đã viết thư trao quyền cho giám mục ở bên Mỹ truyền chức cho cha với mục đích sẽ tu cho địa phận Đà Nẵng.

Cha chịu chức ở bên Mỹ khi về thăm quê quán xong rồi trở lại Việt Nam năm 1974.”

Ký ức về 30 tháng 4 

Thanh TrúcTrong biến cố 30 tháng Tư 1975 thì cha đang ở đâu?

LM Dương Tấn Bằng: “Lúc đầu cha làm cha phó trên một giáo xứ cách thành phố Đà Nẵng vài chục cây số. Thế rồi Đà Nẵng thất thủ, các “bác” ở ngoài Bắc vào và đã bắt cha. Họ để cha ở đó một thời gian và mỗi ngày cha phải đi từ trên núi xuống công an để trình diện và đối thoại với họ.

Sau đó Đức Cha Chi chuyển cha từ Phú Thượng ở trên núi xuống thánh phố mà ngài không xin phép nên chính phủ bắt lẽ là ngài không có quyền đổi nhân sự từ chỗ này đến chỗ khác.

Họ đã bắt cha giam một đêm và cho lính gác điệu cha từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Khi lên xe thì đi với một cán bộ nam và một cán bộ nữ. Trên xe đó họ đã nói với những người trong xe rằng người cán bộ nữ là vợ của cha. Cha nói cha độc thân, không phải vợ của cha đâu.

Khi tới Nha Trang phải nghỉ lại một đêm, họ muốn hai người ngủ trong phòng, cha nhất quyết không chịu. Thế rồi họ để cha trong phòng một mình. Cha lấy ghế chận vào cánh cửa vì ban đêm sợ họ đưa người đàn bà đó vào phòng của cha thì nguy.”

Thanh TrúcTheo ý của cha thì tại sao họ làm như vậy?

LM Dương Tấn Bằng: “Họ muốn cha bị giảm giá trị linh mục. Họ không nhận cái vấn đề cha là linh mục mà họ muốn người ta nghĩ rằng cha là một người thường để mà có cái toà án nhân dân kết tội là làm cựu quân nhân đã giết người Việt Nam. Phạm tội đối với dân tộc Việt Nam thì họ trục xuất.”

Thanh TrúcRồi sau đó họ đưa cha về Sài Gòn?

LM Dương Tấn Bằng: “Sáng hôm sau lên xe đi về Sài Gòn. Lúc đầu họ đưa cha vào chỗ của các cha Dòng Tên, mà cha nói là cha đã từng học Đại Chủng Viện số 6 Cường Để. Người cán bộ nam nói là phải trả lại tiền vé xe, cha không có tiền, thế là cán bộ nam để cha tự do đi vào chủng viện số 6 Cường Để, vay tiền các cha mà hoàn lại cho anh ta.

Tới cái ngày họ muốn điệu cha ra phi cảng để ra khỏi Việt nam, họ đã đưa vào Bộ Nội Vụ, có một loại giấy tờ mà trong đó, câu thứ mười bảy hỏi tại sao ông muốn xuất cảnh. Cha nói cha đâu có muốn xuất cảnh, cha đã xin các ông đổi ý và cho cha ở nước Việt Nam luôn. Người cán bộ đưa giấy cho cha không biết làm sao, mới đưa cha lên lầu. Người ở trên lầu nói cha về để chờ xem xét chuyện này sau.

Thế nhưng về sau họ điệu cha ra phi cảng Tân Sơn Nhất, lên máy bay của hãng Pháp, đi qua phi trường Dong Muang ở Thái Lan tháng Mười năm 1975.

Những người hữu trách đuổi ra khỏi phi cảng để cha đi đâu thì đi tại vì cha không có giấy tờ nhập quốc, không có một giấy tờ từ Việt Nam đến đây như là di dân hay là người bị vấn đề về chính trị.

Thế rồi có một người đã lấy tiền ra cho cha đi tắc xi vào thành phố. Người đánh tắc xi hỏi đi đâu. Cha cứ làm dấu thánh giá và làm dấu hiệu đi đến một cái nhà thờ nào. Cuối cùng họ đưa tới một nhà dòng.”

Linh mục Dương Tấn Bằng, bị trục xuất từ Việt Nam sang Thái Lan năm 1975 vì là người Mỹ và chỉ muốn được ở lại với giáo dân Việt Nam. Đến thủ đô Bangkok không giấy tờ, không tiền bạc, không biết tiếng Thái, ông bị đuổi ra khỏi phi cảng quốc tế Dong Muang. Thế rồi hoàn cảnh đưa đẩy ông gặp được Đức Cha người Hoa Kỳ đang ở Udonthani miền Bắc Thái Lan, nơi ông về trú ngụ và làm việc từ đó đến giờ.

LM Dương Tấn Bằng kể rằng “lúc đầu thì học tiếng Thái ba bốn tháng, thế rồi Đức Cha người Hoa Kỳ qua nước Mỹ đi giảng để kiếm tiền giúp địa phận. Lúc đi ngài cho cha làm cha xứ của nhà thờ chính toà ở Udon đây. Một thời gian mấy tháng trời ở với Đức Cha thì mới đổi về một giáo xứ ở cách Udon độ hai trăm năm chục cây số.”

Thanh TrúcCha có bao giờ trở lại thăm Việt Nam ?

LM Dương Tấn Bằng: “Có một lần, năm 1991, mẹ ở bên Mỹ qua đây thăm, cha muốn mời mẹ qua Việt Nam để coi cái chỗ cha đã từng học và những người bạn cùng lớp làm cha xứ ở đó. Đã nộp đơn qua một công ty du lịch, đã chờ đợi năm bảy ngày mà họ không trả lời, nghĩa là họ không cho phép”.

Hướng về Việt Nam

Thanh TrúcTrong lòng cha thì cha nghĩ cha là người Mỹ, người Việt Nam hay là người Thái Lan?

LM Dương Tấn Bằng: “Thật ra không phải cha mất gốc mất rễ nhưng vì đã muốn dâng hiến cả đời cho giáo dân Việt Nam cho nên cái lòng trí của cha bao giờ cũng hướng về đó.

Hiện tại ở nước Thái, ở Udon, có nhiều người từ Trung Bộ, người Nghệ An, Vinh, Hà Tĩnh, đến đây làm việc. Họ đến dự lễ ở nhà thờ mà cha đi làm lễ chiều này là thứ Bảy. Cứ Chúa Nhật cuối tháng là có cha người Việt Nam, cha Đức và cha Trực. Ba cha giảng bằng tiếng Việt Nam làm lễ bằng tiếng Việt Nam cho giáo dân người Việt Nam. Cho nên cũng do sự gần gũi và cũng ấm cúng trong lòng với người Việt Nam như xưa.”

Thanh TrúcNhắc về ngày 30 tháng tư năm 1975 ở Việt nam, kỷ niệm nào làm cho cha nhớ nhất?

LM Dương Tấn Bằng: “Tự vì cha đã ở trong chế độ mới với các “bác” những năm bảy tháng, nên cha cũng đủ biết những sự giả dối của họ. Có kỷ niệm là khi đó họ đưa dân lên khai thác ở trên núi và cha đã đi với họ.

Thế rồi buổi tối khi làm việc xong thì cha đã làm lễ ở ngoài trời và đã giảng về sự sống. Cha đã chơi chữ, nói đến ái quốc đến nước đến sự sống của con người bắt đầu ở trong nước ra. Cha đã phủ nhận giá trị của lý thuyết Marx Lenine. Hôm sau họ mời cha xuống núi, về giáo xứ Đà Nẵng, không cho ở với giáo dân nữa.”

Thanh TrúcĐó là kỷ niệm mà cha nhớ nhất.

LM Dương Tấn Bằng: “Cha đã nói khi nào cha có thể mặc áo linh mục về Việt Nam thì cha sẽ về Việt Nam. Còn nếu họ bắt cha vận thường phục thì cha không về. Tại vì cha đã bị trục xuất với tư cách là linh mục thì cha sẽ về thăm với tư cách là linh mục. Thế thôi. Cha vẫn yêu nước Việt Nam.”

Thanh TrúcThưa linh mục Dương Tấn Bằng, xin cảm ơn tất cả những lời chia sẻ của linh mục. 
Nguồn www.giaoducconggiao.net
VRNs (01.01.2011) – VRNs xin giới thiệu với anh chị em cuộc trò chuyện với cha John Tabor (Dương Tấn Bằng), người Mỹ, thành viên linh mục đoàn Giáo phận Đà Nẵng, một nạn nhân từng bị cộng sản Việt Nam trục xuất và tìm cách chơi trò bẩn.
Cha John Tabor nguyên là lính SEABEE, công binh kiến tạo Hoa Kỳ, từng đi quân dịch tham chiến tại Việt Nam và sau đó muốn đi tu làm linh mục. Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, lúc ấy làm Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, dạy phải hoàn thành quân dịch xong về Mỹ rồi hãy quyết định. Sau khi mãn hạn quân dịch, ngài xin phép song thân sang tu trì ở Việt Nam. Ai cũng biết cha Bằng nói rất sõi tiếng Việt, kể cả tiếng lóng!
Ngài theo học ở Đại Chủng viện Sài Gòn và thụ phong linh mục năm 1974. Về giáo phận Đà Nẵng làm việc chưa bao lâu thì xảy ra biến cố 1975. Cha Tabor bị trục xuất khỏi Việt Nam sau đó ít lâu. Ngày nay cha vẫn làm việc tại Thái Lan.
——————-


PV: Xin chào cha, chúng con nghe nói đến cha từ lâu, hôm nay Chúa dẫn dắt cho con được trò chuyện với cha. Thưa cha, cha vào Việt Nam trong tư cách là quân nhân vào năm nào?
DTB: Năm 1963 trước khi chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Vào ở Đà Nẵng.
PV: Thế năm nào thì cha giải ngũ?
DTB: Giải ngũ năm 1966. Hơn 3 năm ở nước Việt Nam.
PV: Thế cha giải ngũ vì lý do gì?
DTB: Lý do giải ngũ là hết hạn quân dịch. Khi đó tôi tình nguyện đi lính 3 năm. Ngày sinh nhật năm 21 tuổi thì mãn hạn, nhưng tôi phải ở lại quân ngũ thêm 6 tháng, vì lúc đó chiến tranh bùng nổ mãnh liệt. Hết 3 năm rưỡi thì giải ngũ.
PV: Giải ngũ xong mấy năm thì cha xin đi tu?
DTB: Giải ngũ xong hôm nay thì xin đi tu luôn. Tôi quen Đức Cha Chi ở Đà Nãng và cảm mến ngài nên đi tu. Ngài là cha đỡ đầu của tôi.
PV: Ngài đi tu ở Việt Nam có gặp khó khăn gì từ phía gia đình hay chính quyền Hoa Kỳ không?
DTB: Có. Khó khăn là không có hộ chiếu. Tôi không về Mỹ mà Mỹ thì không chịu cấp hộ chiếu cho tôi tại Việt Nam. Trong khi nước Việt Nam lại đòi tôi phải có hộ chiếu thì mới cấp visa cho ở lại. Thế là nó rơi vào cái vòng luẩn quẩn. Thế rồi có cha Huân ở địa phận Bùi Chu, đang ở Sài Gòn, ngài đã làm cách nào đó, có lẽ là phải vận động “dưới gầm giường, gầm bàn gì đó”, thế là tôi được ở lại Việt Nam và gia nhập Tiểu Chủng viện Thánh Gioan Đà Nẵng và học tiếng Việt ở đây.
PV: Thế năm nào cha vào Đại Chủng viện?
DTB: Năm 1967, trước Mậu Thân 1 năm. Anh có nghe lịch sử Mậu Thân không? Ở Việt Nam người ta bịa thế nào về Mậu Thân?
PV: Dạ có. Con có nghe và có đọc. Người ta phóng đại, bịa đặt, xuyên tạc và lấp liếm nhiều. Tùy vấn đề hay sự kiện có lợi hay có hại cho người ta. Cái đó là bản chất của cộng sản. Thế năm 1967 đến năm 1973 thì ngài học ở Chủng viện Thánh Giuse, Cường Để – Sài Gòn?
DTB: Phải. Rồi năm 1974 học xong, tôi xin phép về nước, thăm gia đình 3 tháng và chịu chức linh mục ở Mỹ. Đức cha Chi cho một cái thư xin một Đức cha ở Mỹ truyền chức cho tôi. Khi tôi về lại Việt Nam, được Đức cha Chi bổ nhiệm về làm cha xứ ở Phú Thượng, cách Đà Nẵng hơn 20 cây, gần các xứ Phú Trung, Ngọc Sơn, An Ngãi, từ phía biển đi ngược sông Thu Bồn lên.
PV: Thế năm nào thì ngài bị cộng sản trục xuất khỏi Việt Nam?
DTB: Đà Nẵng thất thủ ngày 27 tháng 3 năm 1975 sau đó hơn 1 tháng thì Sài Gòn thất thủ. Nó không đụng tới tôi một thời gian vắn. Thế thì khi ấy Đức cha Chi đã đổi tôi từ Phú Thượng về An Hải là một xứ vùng biển. Cha Hải làm cha xứ. Thế rồi họ bắt lẽ là không được phép của chính phủ để nhập cảnh. Thế là họ bắt và giam tôi ở Hòa Vang một đêm. Sáng mai có một cái xe bus đưa tôi từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Tới nơi họ quản thúc tôi ở Chủng viện Cường Để.
PV: Khi trục xuất thì họ có làm gì nguy hiểm cho cha không?
DTB: Có. Nó lấy một phụ nữ cho ngồi bên cạnh tôi. Nó bảo với mọi người đấy là vợ tôi và tôi là mục sư chứ không phải linh mục. Vào đến Nha Trang, ngủ đêm ở một căn nhà. Nó muốn để 2 người trong 1 phòng, tôi nhất quyết không chịu, tôi đi ngủ và lấy ghế chặn cửa để nó không thể vào phá rối, đêm ấy tôi cũng phân vân.
PV: Bao lâu sau đó thì nhà nước cộng sản Việt Nam trục xuất cha khỏi Sài Gòn?
DTB: Đầu tháng 10 năm 1975 họ trục xuất tôi khỏi Việt Nam bằng máy bay của Hàng không Pháp từ Tân Sơn Nhất đi qua Đôn Mường.
PV: Thế là cha ở Thái Lan đây luôn?
DTB: Không, tôi về Mỹ 2 tuần. Lúc ấy tôi liên hệ với Đức cha Duhat, một Đức Giám Mục người Mỹ ở Thái Lan. Ngài bảo tôi cứ về nước đã rồi mới sắp đặt. Tôi về Mỹ và liên lạc bằng thư từ. Đến tháng 7 năm 1976 ĐGM mới nói tôi đến. Tôi đến Thái và ở đây từ đó đến nay.
PV: Thế là ngài ở đây liên tục từ năm 1976?
DTB: Vâng, nhưng cứ 3 hoặc 4 năm thì được về Mỹ thăm bà cố, thăm quê một lần. Năm ngoái mới về thăm, năm 2012 sẽ về thăm nữa. Năm nay chị gái ăn mừng cưới 50 năm, cũng muốn tôi về, nhưng không về được, vì chưa “lọn” 3 năm.
PV: Thế ngài ở Tiểu bang nào và ông bà cố của ngài có còn không?
DTB: Ở New Hamshire, Đông Bắc nước Mỹ, gần Đại Tây Dương. Ông cố mất đã hai mươi mấy năm rồi. Bà Cố còn sống năm, nay 91 tuổi, ở một mình, còn lái xe đi hàng ngày được.
PV: Từ lúc ra khỏi Việt Nam ngài có xin trở lại Việt Nam không?
DTB: Có một lần. Năm 1991 cùng với bà cố tôi xin đi du lịch Việt Nam. Thế rồi giấy họ gửi họ hỏi có bí danh gì không. Tôi viết là “Dương Tấn Bằng” rồi gửi cho họ, rồi đợi họ không trả lời thế là biết không đi được.
PV: Từ đó đến nay cha đã thử xin giấy tờ vào VN lại chưa? Có lẽ bây giờ nếu cha xin về Việt Nam thì nhà nước cộng sản có thể sẽ lấy đó làm cái cớ để tuyên truyền rằng VN tôn trọng tự do tôn giáo.
DTB: Nó thấy tên mình trong danh sách thì cũng không biết thế nào. Nhưng tôi đã quyết định với bản thân mình là khi bị trục xuất ra khỏi Việt Nam tôi mặc áo linh mục, thì khi về lại Việt Nam tôi cũng phải mặc áo linh mục thì tôi mới về.
PV: Cha ở đây, cha có liên hệ gì với Việt kiều không?
DTB: Tôi đang bệnh tật. Tôi bị bệnh cột sống. Tôi chỉ giúp một họ đạo nhỏ, họ đạo tiên khởi của giáo phận Udon này tên là Ban Chịch. Ở đấy mỗi tháng giúp người Việt Nam một kỳ. Có quãng độ bốn chục người Việt Nam. Làm lễ bằng tiếng Việt. Tối nay tôi phải dạy giáo lý cho 2 cặp thanh niên thiếu nữ họ muốn kết bạn với nhau, người Việt ở địa phận Vinh.
PV: Chúng con xin cám ơn cha. Xin Chúa chúc lành được mạnh khỏe và ngày nào đó được mặc áo linh mục trở lại Việt Nam./.

Thăng Long
PV- Báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp




.

No comments:

Post a Comment