Friday, May 2, 2014

Tướng Nguyễn Khoa Nam - Dòng họ - Cuộc đời - Sự nghiệp

Sưu tầm online và trong trang Nguyễn Khoa Nam - Nhiều bài viết nói về Tướng Nguyễn Khoa Nam trong trang này. (Cho tiện việc tham khảo) 

Tiểu Sử Tướng Nguyễn Khoa Nam

Tướng Nguyễn Khoa Nam sinh tại Đà Nẵng ngày 23 tháng 9 năm 1927, gốc làng An Cựu Tây, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, xuất thân từ một gia đình văn học, tôn sùng đạo Phật.
    Thân phụ ông là cụ Nguyễn Khoa Túc, Thanh Tra Học Chánh thời Pháp thuộc tại Đà Nẵng, hồi hưu năm 1941.  Thân mẫu ông là cụ Công Tôn Nữ Mộc Cẩn, thuộc dòng Tuy Lý Vương.  Trong nhiều khía cạnh, ông được thừa hưởng tất cả tinh anh của hai bên nội, ngoại.

    Ông là con trai giữa trong gia đình có năm anh em, nhưng hai anh lớn mất sớm, đến năm 1975 chỉ còn lại ba chị em.  Chị ông là bà Nguyễn Khoa Diệu Khâm, phục vụ trong ngành Y Tế tại Sài Gòn và đã hồi hưu.  Em trai là ông Nguyễn Khoa Phước, phục vụ trong ngành Giáo Dục và cũng là cựu Nghị Sĩ dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

    Tướng Nguyễn Khoa Nam đậu bằng Thành Chung Pháp năm 1944 sau đó bằng Tú Tài I năm 1946. Tốt nghiệp Trường Hành Chánh Huế, ông làm việc tại Sở Ngân Sách Trung Việt cấp bậc Chủ Sự Phòng từ năm 1951.

    Cũng như nhiều thanh niên cùng lứa tuổi, ông đã bị gọi động viên, gia nhập khóa 3 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức vào tháng 4 năm 1953.  Mãn khóa hồi tháng 10 năm 1953, ông đã gia nhập binh chủng Nhảy Dù với cấp bậc Thiếu Úy.  Trong suốt thời gian từ tháng 12 năm 1953 cho đến ngày chia đôi đất nước vào tháng 7 năm 1954, trên cương vị một Trung Đội Trưởng thuộc Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù, Thiếu Úy Nam đã tham gia nhiều cuộc hành quân trên chiến trường Bắc Việt.

    Vào mùa hè năm 1955, là Đại Đội Trưởng thuộc Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù, Trung Úy Nam đã tham gia chiến dịch hành quân tảo thanh lực lượng Bình Xuyên ra khỏi Thủ Đô Sài Gòn.  Cuối năm 1955, ông được bổ nhiệm chức vụ Đại Đội Trưởng Đại Đội Kỹ Thuật Dù. Trong thời gian này ông được cử đi viếng thăm các trung tâm huấn luyện Nhảy Dù tại Pau (Pháp) và tại Nhật.  Đầu năm 1961, ông được thăng cấp Đại Úy.  Năm 1962, Đại Úy Nam được đề cử tham dự khóa học về Chiến Tranh Rừng Rậm tại Fort Braggs rồi năm1963, khóa Bộ Binh Cao Cấp tại Fort Benning, Hoa Kỳ.

    Cuối năm 1965, ông được thăng cấp Thiếu Tá và giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù.  Tháng 2 năm 1966, đơn vị ông tham dự cuộc hành quân Liên Kết 66 tại Quảng Ngãi do Sư Đoàn 2 Bộ Binh tổ chức nhằm tấn công một đơn vị của Sư đoàn 2 Bắc Việt và do chiến công này Thiếu Tá Nam được trao tặng Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương.
    Sau đó, ông được vinh thăng Trung Tá và được đề cử giữ chức vụ Chiến  Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 3 Nhảy Dù.  Cuối năm 1967, chiến đoàn Dù do ông chỉ huy đã chiến thắng trận đánh đồi 1416 Ngok Van ở Kontum, tiêu diệt một Trung Đoàn Chủ Lực Bắc Việt.  Ông được ân thưởng Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương và là sĩ quan thứ hai của Sư Đoàn Nhảy Dù, sau Trung Tướng Đỗ Cao Trí, được trao tặng huy chương cao quý này lúc còn mang cấp bậc trung tá. Ông cũng được gắn huy chương Distinguished Service Medal của Tổng Thống Hoa Kỳ.

    Đầu năm Mậu Thân 1968, các chiến đoàn Dù được nâng cấp thành các lữ đoàn.  Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù được điều động về Sài Gòn tham gia trong trận Mậu Thân 1 và 2 ở ven đô Đô Thành Sài Gòn - Chợ Lớn và ông được vinh thăng Đại Tá trong thời gian này.

    Đầu năm 1970, ông được đề cử giữ chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Khu Chiến Thuật Tiền Giang.  Giữa năm 1970, ông được vinh thăng Chuẩn Tướng Nhiệm Chức tại mặt trận, cho đến tháng 10 năm 1971 thì được vinh thăng Chuẩn Tướng Thực Thụ.  Năm 1972, ông được vinh thăng Thiếu Tướng Nhiệm Chức và tháng 10 năm 1973 được lên Thiếu Tướng Thực Thụ.

    Vào tháng 11 năm 1974, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV - Quân Khu 4 cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.  Khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, với tư cách Tư Lệnh Quân Đoàn IV-Quân Khu 4, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam đã quyết định không đầu hàng địch và đã tuẫn tiết vào sáng ngày 1 tháng 5 để bảo toàn khí tiết của một vị tướng lãnh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.  Ông tự sát khi mới 48 tuổi.

____________________________
    Dòng họ Nguyễn Khoa

Dòng họ Nguyễn Khoa chánh thật gốc ở làng Trạm Bạc, tỉnh Hải Dương, Bắc Việt. Năm thứ 10 đời Minh Mạng (1829), do đơn xin của Nguyễn Khoa Minh, Vệ Úy Lễ Bộ, tộc Nguyễn Khoa được ghi trong Đinh Bộ tại làng An Cựu, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Ngày nay, phủ thờ của dòng họ Nguyễn Khoa ở thôn Gia Lạc, xã Dương Nổ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.

    Đời thứ nhất của dòng họ Nguyễn Khoa là ông Nguyễn Đình Thân, sinh năm Quý Sửu (1552), mất năm Quý Dậu (1633). Năm 1558, mới có sáu tuổi đã theo cha phò chúa Nguyễn Hoàng vào trấn Ái Tử, thuộc tỉnh Quảng Trị bây giờ. Năm 20 tuổi, ông đã làm đến chức Lãnh Binh tỉnh Quảng Trị. Đến đời thứ ba thì được chiếu vua ban, chữ lót “Đình” đổi thành “Khoa” và kể từ đó, con cháu đều thuộc dòng Nguyễn Khoa. Qua các triều đại nhà Nguyễn, lúc nào họ Nguyễn Khoa luôn luôn có những người đỗ đạt cao và giữ những chức vụ quan trọng. 

    Đời thứ tư  có Nguyễn Khoa Chiêm, sinh năm Kỷ Hợi (1659), mất năm Bính Thìn (1736), thọ 77 tuổi. Năm 1701, ông được phái cùng với các vị quan khác như Trần Đình Khánh, Tôn Thất Diệu, Tống Phước Tài vào Quảng Bình để chỉ huy quân sĩ và thiết lập các trấn ải. Năm thứ 19 đời Minh Vương (1710), ông được phong chức Cai Hạp. Năm thứ 23 cũng đời Minh Vương (1714), ông giữ trách nhiệm phân phối quân lương và ấn định thuế điền địa. Sau khi mất, ông được ban tước Bản Trung Hầu.

    Đời thứ 5 có Nguyễn Khoa Đăng là được nhắc nhở nhiều nhất. Ông sinh năm Tân Tị (1691) là con thứ hai của ông Nguyễn Khoa Chiêm. Dưới triều Minh Vương (1691-1725), ông giữ chức vụ Chánh  Dinh Nội  Tán Thống  Tri Quân  Quốc  Trọng  Sự (cố vấn riêng của triều đình, phụ trách quân sự vụ). Cũng trong thời gian đó, ông biên soạn tài liệu giải thích luật lệ để việc áp dụng và tuân hành được dễ dàng. Ông được nhà vua tin dùng vì tính tình ngay thẳng lại có óc thông minh đặc biệt. Có rất nhiều mẩu chuyện nêu lên biệt tài quân sự và trí thông minh của ông.  Ở Huế ai cũng nghe câu hò: 

            Thương anh em cũng muốn vô,
            Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.

Truông nhà Hồ là vùng sỏi cát nhưng rậm rạp thuộc vùng Hồ Xá, tỉnh Quảng Bình bây giờ. Ngày trước, khi tỉnh này còn là Ô Châu ác địa, Hồ Quý Ly đã dùng chính sách di dân bắt đầy các tội phạm vào đây sinh sống. Sau khi nhà Hồ mất, luật pháp không còn, các phạm nhân đi cướp bóc, quấy nhiễu khách buôn lương thiện. Quan Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng xin lập kế diệt cướp. Ông cho lính núp trong các thùng gỗ, giả làm hàng hóa, rồi cho khách buôn gánh đi, duy chiếc thùng cuối được khoét lỗ cho lính có thể rải giấy làm dấu chỉ đường cho quân lính theo sau. Khi quân cướp mở các thùng gỗ thì quân lính xông ra nhập với đoàn tiếp viện cũng vừa tới, nội công ngoại kích nên bắt được trọn ổ. Từ đó về sau, truông nhà Hồ không còn là mối lo ngại cho những khách buôn nữa. Chàng trai Huế, muốn trấn an người em gái Bắc, liền hát: 

            Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
            Truông nhà Hồ, Nội Tán cấm nghiêm. 

Nói đến phá Tam Giang, có rất nhiều chuyện truyền khẩu về những lượn sóng thần làm lật úp thuyền bè qua lại. Biết rằng khúc sông trước khi ra phá Tam Giang, chạy qua vùng Bàu Ngược (thuộc làng Vĩnh Xương và Kế Môn, huyện Quảng Điền) rất sâu lại quanh co, nên đến thu đông, gió lớn, gây những vụ đắm thuyền, nên một mặt quan Nội Tán đêm đêm cho lính đào một con sông thẳng, để thuyền bè dễ qua lại. Mặt khác, biết dân chúng hay mê tín dị đoan, ông cho đóng một chiến thuyền, bốn bề che kín, duy chỉ để chừa một lỗ vừa đủ cho họng súng thần công, rồi dưới sự chứng kiến của nhà vua, chiếc thuyền vượt ra khơi bắn hai phát súng làm gẫy hai con sóng. Phát thứ ba vì nhắm trật nên thần sóng chạy thoát. Lúc đào sông, gặp chỗ đất phù sa, dòng sông nhuộm đỏ như máu, làm dân càng tin là hai vị thần sóng đã bị súng thần công bắn chết. 

    Một câu chuyện khác cũng được truyền tụng trong dân chúng. Tỉnh Quảng Bình thời đó trộm cướp như rươi. Ông cho nhiều điềm-chỉ-viên theo dõi và biết được hầu hết danh tánh của chúng. Một hôm, có một bà gánh dầu đi bán, bị vấp ngã và đổ hết số dầu là vốn liếng làm ăn, tại một địa điểm gần ông Thần Đá. Người này đến khiếu nại cùng ông và thưa rằng Thần Đá đã không phù hộ cho bà ta mặc dù thần đã nhận đủ lễ vật mà bà ta vẫn thường dâng lên. Vì thiếu nhân chứng, ông không xét xử gì sau khi nghe khiếu nại, chỉ bảo người đàn bà lui về mà thôi. Vài ngày sau, ông bảo thuộc hạ: 

- Tỉnh ta đầy trộm cướp. Tại sao vị Thần Đá kia, quyền uy như vậy mà lại chẳng giúp gì cho dân dù đã nhận rất nhiều lễ vật?

Ông ra lệnh đem ông Thần Đá, thật ra chỉ là một tảng đá lớn, đến để xét hỏi. Sau khi ông Thần Đá được khiêng đến, ông ra lệnh cúng kiếng và than rằng: 

- Hỡi Thần, ngài đã nhận biết bao lễ vật của dân; nay trước mắt ta, Thần phải tiết lộ danh sách của bọn cướp và trả lại an vui cho dân lành.

Ông lại quay sang bảo các chức sắc: 

- Hãy chuẩn bị giấy bút, khi Thần khai là ghi chép ngay. Chiều nay phải làm cho xong. Nếu không thì sáng mai ta sẽ đích thân hỏi Thần Đá.

    Đã có ai nghe “Đá” biết nói bây giờ? Vì vậy đêm xuống mà chẳng có vị chức sắc nào ghi được một chữ! Trong đêm đó, ông sai thuộc hạ đào một cái hầm từ giữa sân ăn thông vào trong đình. Miệng hầm được lót ván phủ đất lên rất khéo, khó mà nhận ra.

    Sáng hôm sau, thuộc hạ đặt Thần Đá trên miệng hầm, phía dưới đã có người ngồi trong hầm. Vì vậy khi ông hỏi tên của kẻ gian đều được Thần Đá khai rõ. Đến trưa thì chuyện  Thần Đá biết nói đã lan rất xa. Người hiếu kỳ muốn xem tận mắt, nghe tận tai thì phải trả tiền. Tiền thu được, ông hoàn lại cho người đàn bà bán dầu. Còn kẻ cướp, lớp bị bắt, lớp sợ nên giải nghệ. Cuộc sống an vui được tái lập từ đó. Quan Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng đã lập rất nhiều công trạng nên được vua thương, vì thế, có nhiều người ganh tị. Sau khi Minh Vương qua đời, ông bị tay chân của tên Nguyễn Cứu Thế ám hại năm 1725 khi mới vừa 34 tuổi. 

    Đời thứ sáu có ông Nguyễn Khoa Thuyên, sinh năm Giáp Thìn (1724), mất năm Kỷ Dậu (1789), thọ 66 tuổi. Dưới triều Võ Vương, ông giữ chức Cai Bộ ở tỉnh Long Hồ miền Nam. Đời Huệ Vương, khi quân Tây Sơn nổi dậy, ông cùng Tống Phước Hiệp chỉ huy binh sĩ của 5 tỉnh Bình Khương, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ, đánh tan quân phản loạn để chiếm lại 3 tỉnh Bình Thuận, Diên Khánh và Bình Khương. Sau đó, ông tập họp binh sĩ để theo Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) xuống thuyền về Nam. Ông được phong chức Tham Chánh, phò Nguyễn Ánh vào tận Gia Định. Năm 1776, trong chức Khâm Sai Tham Chánh, ông đúng đầu bộ Tài Chánh và Quốc Phòng. Khi Nguyễn Ánh tuyệt lộ và bại trận, ông phải sống trà trộn như một dân thường. Sau này về Huế, ông sống ẩn dật và mất tại đây, rồi dược truy tặng tước Hiến Chương Hầu.

    Đến đời thứ bảy có Nguyễn Khoa Kiên, sanh năm Giáp Tuất (1754) và mất năm Ất Vị (1775) lúc mới 22 tuổi. Dưới đời Huệ Vương (1765-1777), ông Kiên giữ chức Khâm Sai Đốc Chiến Triệu Thành Hầu. Ông cao to, vạm vỡ, sức mạnh hơn người, được vua phái đi đánh dẹp loạn Tây Sơn. Mặc dù quân lính ít hơn, nhưng ông đánh đâu thắng đó, nên được ví như Triệu Tử Long (một danh tướng nhà Hán, thời Tam Quốc bên Tàu). Quân Tây Sơn, biết địch không nổi, nên tìm cách lẩn tránh. Trong một trận thủy chiến ngoài khơi Phú Yên, chiến thuyền ông gặp bão, phải tấp vào đảo Tam Sơn và bị giặc bắt sống. Lúc bấy giờ ở Quảng Nam có hai Tướng Tôn Thất Quyên và Tôn Thất Xuân, chống trả với quân Tây Sơn rất dũng mãnh. Giặc bèn dùng kế nồi da xáo thịt, phong cho ông Kiên chức Đại Tướng, sai cầm quân đánh lại quân của Tướng Quyên và Tướng Xuân. Ông Kiên xỉ vả sứ thần rồi rút kiếm tự vận để khỏi mắc mưu địch. Về sau ông được phong Dực Vận Kiệt Tiết Công Thần Chiêu Dõng Tướng Quân, Cẩm Y Vệ, Chưởng Vệ Sự (tạm dịch là Tướng thông minh vạm vỡ, Tư Lệnh đại quân của Vua). Đến thời Minh Mạng, ông được vua tri ân cho đem bài vị thờ trong điện dành cho các vị công thần đã vị quốc vong thân, ngày đêm có lính hầu bên mộ.

    Em trai áp út của Nguyễn Khoa Kiên là Nguyễn Khoa Minh, sinh năm Mậu Tuất (1778) mất năm 1837. Thâm nho từ nhỏ, ông làm quan từ năm thứ ba đời Gia Long cho đến năm thứ mười hai (1816) , ông giữ chức Tham Tri Bộ Binh. Năm thứ sáu Minh Mạng (1825), ông giữ chức Thanh Tra bộ Tài Chánh. Năm 1826, ông xin nhà vua thiết lập một trường quân sự để đào tạo con cái của các võ quan. Trường quân sự đầu tiên có tên là Anh Danh Giáo Dưỡng, đặt gần  Đông Ba.

    Nguyễn Khoa Hào là em út của Nguyễn Khoa Kiên, sinh năm Kỷ Hợi (1779) là một đại thần triều Nguyễn. Năm Minh Mạng thứ năm (1824) ông giữ chức Tổng Trấn Nghệ An đặc trách việc ngoại giao với nước Ai Lao. Vài tháng sau, vua nước Lào bị quân nổi loạn truất phế, phải qua nhờ Hào che chở. Ông Nguyễn Khoa Hào đem quân giúp vua Lào dẹp loạn, xong đưa vua Lào lên ngôi trở lại. Vua Minh Mạng ban thưởng vàng bạc và phong chức Tham Tán Kinh Lược Đại Thần, phụ trách việc bang giao với các lân bang. 

    Dưới triều Minh Mạng thứ 12, Nguyễn Khoa Dục, sinh năm Mậu Thìn (1808) là một danh tướng được các lân bang kính nể. Năm Tự Đức thứ nhất (1854), ông giữ chức Bố Chánh tỉnh Quảng Yên (Bắc Việt). Lúc bấy giờ, giặc Tàu Ô thường qua quấy nhiễu, nên Dục xuất quân bắt sống tên đảng trưởng cùng với 164 quân cướp. Vua Tàu sai Tổng Trấn Quỳnh Châu (đảo Hải Nam bây giờ) đem thuyền chở lễ vật xuôi dọc theo sông Bạch Đằng đến khen thưởng. Ông trả lời: Tôi đã được vua chúng tôi ban thưởng nên không dám nhận báu vật của Ngài. Quân Tàu Ô thuộc vùng duyên hải tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Tô Giang, Tích Giang được quân Tây Sơn cấu kết, cấp súng ống phong chức tước, để quấy phá Quảng Yên là nơi có đền thờ của dòng họ Nguyễn Khoa, trung thành với nhà Nguyễn. Dục tức giận vì mồ mả tổ tiên mình ở làng Trạm Bạc thường hay bị phá quấy nên có âm mưu gây chiến luôn cả với Trung Quốc. 

Vua Tàu nghe tin, liền gởi tối hậu thư cho vua Tự Đức chất vấn lý do Dục đòi đánh Trung Hoa và yêu cầu giao Dục cho sứ thần Trung Quốc mang về để trị tội. Vì nể dòng họ Nguyễn Khoa đã bao đời tận tụy với triều đình, nên vua giao một phạm nhân cho sứ thần, rồi gọi Dục về triều đình, chỉ quở trách: “Trẫm biết khanh thường hay quá tửu; vậy phải chừa đi, để khỏi hổ danh dòng họ.” Vì biết không ai trấn giữ nổi tỉnh Quảng Yên ngoài Dục, nên Vua phục hồi chức vụ, phong ông làm Án Sát để dẹp giặc. Đời Tự Đức năm thứ 13 (1860), ông dẫn đầu quân lính đi dẹp giặc Tàu Ô, chẳng may bị tử thương tại Quảng Yên. Bài vị ông được thờ trong đền Trung Nghĩa (Đền thờ các vị công thần trung nghĩa).

Phỏng theo tài liệu của G. Rivière: “Une Lignée de Loyaux Serviteurs: Les NGUYEN KHOA” với sự giúp đỡ của quý ông Vĩnh Bội, Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Hải.

_________________________________



Nhớ Về Người Anh
Nguyễn Khoa Phước



Ông Nguyễn Khoa Phước, cựu Nghị Sĩ thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa, là em ruột của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam.

Cuối tháng 3 năm 1998,  anh Thời, cựu  SVSQ khóa 3 Thủ Đức đến nhà tôi mượn  tấm ảnh của Tướng Nguyễn Khoa Nam và tặng tôi một số đặc san NKN do các anh đồng khóa ấn hành từ mấy năm nay. Anh Thời đã yêu cầu tôi viết vài hàng về anh Nam, người anh ruột của tôi. Tôi xúc động vô cùng! Từ mấy năm nay, tôi không muốn viết về anh Nam nữa, tôi muốn để cho tâm tư lắng xuống và nỗi buồn chia cắt ruột thịt sẽ vơi theo thời gian, nhưng với anh Thời và cũng như tất cả các anh cựu khóa 3 Thủ Đức, tôi không thể từ chối được vì các anh là bạn của anh tôi. Đến giờ phút này, các anh đã ngoài 70, còn ngồi lại với nhau để viết cho nhau và cho các chiến hữu QLVNCH những tâm tình, những kinh nghiệm. Đó là điều đáng quý. Tôi kính trọng các anh là ở chỗ đó. Những gì tôi viết ở đây về Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam là của chính tôi biết, những gì do các anh em sĩ quan hay bạn kể lại, nhất là suốt 12 năm trong lao tù Cộng Sản, có lẽ tôi muốn kể ra. Thời gian anh ở trong quân ngũ từ 1953 cho đến 1975, tôi rất ít biết vì anh em tôi phải xa nhau, mỗi người một lãnh vực, mỗi người một hoàn cảnh. 

    Tướng Nguyễn Khoa Nam, gốc làng An Cựu Tây, huyện Hương Thủy, tĩnh Thừa Thiên, sinh tại thành phố Tourane (Đà Nẳng) ngày 23 tháng 9 năm 1927. Gia đình chúng tôi có nhiều anh em nhưng các anh lớn mất sớm, đến năm 1975, chúng tôi còn lại một bà chị là Nguyễn Khoa Diệu Khâm, năm nay 82 tuổi đang ở Sài Gòn và tôi là em út. Anh Nam lớn hơn tôi 8 tuổi, đúng hơn là 7 năm 7 tháng. Ông thân sinh chúng tôi trước là Thanh Tra Học Chánh tại Đà Nẳng thường gọi là cụ Thái Thường Nguyễn Khoa Túc, về hưu năm 1941 và về nghỉ hưu tại Huế. Mẹ chúng tôi là bà Công Tôn Nữ Mộc Cẩn, thuộc dòng Tuy Lý Vương.

    Anh Nam học Tiểu Học tại trường École des Garcons thành phố Đà Nẵng, từ 1933 đến 1939 ra Huế tiếp tục học Lycée Khải Định và ở nội trú. Anh đậu bằng Thành Chung Pháp năm 1943 và tiếp tục học lên đệ nhị cấp. Đến năm 1946, chiến tranh bùng nổ, cả gia đình chúng tôi phải tản cư, lúc bấy giờ anh đã 19 tuổi, định theo kháng chiến trong hàng ngũ Thanh Niên Tiền Phong nhưng mẹ tôi giữ lại. Năm 1947, hồi cư, anh Nam tiếp tục học lớp Đệ Nhị Toán nhưng sau đó theo học lớp Hành Chánh tại Huế. Năm 1951, anh giữ chủ sự Tài Chánh cho đến năm 1953 thì được gọi nhập ngũ khóa 3 Thủ Đức. Lúc đó tôi có giấy gọi vì đã đủ 18 tuổi nhưng được miễn vì còn vài tháng nữa tôi phải thi Tú Tài 2.

    Tháng 9 năm 1953, tôi vào Sài Gòn theo học Faculté des Sciences (Université de Saigon) thì gặp anh Nam. Chủ Nhật nào hai anh em chúng tôi cũng gặp nhau. Chiều Chủ Nhật, tôi đưa anh lên nhà thương Grall, ở đó có xe của quân trường chở về Thủ Đức. 

   Tháng 10 năm 1953, anh ra trường tình nguyện vào binh chủng Nhảy Dù, đi học chuyên nghiệp rồi theo đơn vị ra Bắc luôn, tôi không hề hay biết gì cả (lúc này cha mẹ tôi mất rồi nên anh làm theo ý thích của mình). Mãi khi nhận được thư anh từ một KBC ngoài Bắc, tôi mới biết anh ở trong một đơn vị Nhảy Dù đang hành quân ngoài đó. Tôi không có ý kiến gì vì biết tính anh tôi khi quyết định rồi thì không thay đổi được.

    Tháng 8 năm 1954, sau hội nghị Genève, anh theo đơn vị vào Sài Gòn, tôi đến thăm thấy anh mang lon Trung Úy, tôi có hỏi anh năm nay 27 tuổi rồi, có tính chuyện vợ con không. Anh cười và nói : “Mình đi nhảy dù, lấy ai thì người đó dễ trở thành quả phụ, tội lắm.” Tôi biết anh không muốn lấy vợ. Về sau này, bà con cô bác làm mai mối cho anh nhiều nơi xứng đáng, rồi anh cũng lờ đi. Năm 1955, anh làm Đại Đội Trưởng thuộc Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù và hành quân đánh Bình Xuyên tại Sài Gòn. 

    Sau đó anh được thăng Đại Úy và Sư Đoàn cử anh đi học kỹ thuật tại Pau (Pháp) khoảng 8 tháng. Lúc này anh có mua được một căn phố nhỏ, một phòng ngủ, một phòng khách ở cư xá Nhảy Dù trước trường đua Phú Thọ. Anh vẫn ở căn nhà này, không sửa sang cho đến 30-4-1975. Thật ra thì ít khi về đây, phần lớn thời gian ở trong đơn vị, vả lại về nhà một mình cũng buồn, có lẽ ở đơn vị vui hơn.

    Năm 1956, anh Nam ở Pháp về làm Đại Đội Trưởng Kỹ Thuật Dù trong trại Hoàng Hoa Thám. Anh mang lon Đại Úy cho đến cuối năm 1965 khi anh giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, tôi mới thấy anh lên Thiếu Tá. Từ lúc nắm TĐ5ND anh đi hành quân khắp bốn Vùng Chiến Thuật. Năm 1966, khoảng tháng 3, TĐ5ND tham dự cuộc hành quân Liên Kết 66 tại Quảng Ngãi do Sư Đoàn 2 Bộ Binh tổ chức, anh có về thăm gia đình tôi. Anh rất thương các cháu con tôi và có thì giờ rảnh là về nhà tôi tắm rửa, ăn cơm và thăm các cháu. Thời gian này, tôi là Hiệu Trưởng trường Trung Học Đệ Nhất Cấp Trần Quốc Tuấn ở Quảng Ngãi. Đây là lúc anh em tôi gặp nhau nhiều nhất cả thời gian sau này. Thấy anh có vẻ buồn dù ta đang thắng, tôi hỏi anh, anh nói:
  - Chiến tranh đem lại chết chóc và đau thương, hàng trăm xác Việt Cộng 15, 16 tuổi phơi thây trên núi Tròn, bên đơn vị mình có mười mấy binh sĩ bị hy sinh, tội quá. Kỳ này về phải lo cho gia đình tử sĩ.

    Đầu năm 1970, được đề cử giữ chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Khu Chiến Thuật Tiền Giang. Tháng 11 năm 1974, được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV và Vùng 4 Chiến Thuật cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. 

    Chiều ngày 1 tháng 5 năm 1975, Trung Úy Danh, Sĩ Quan Tùy Viên của Anh lên Sài Gòn tin cho chị tôi là bà Diệu Khâm biết là Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam đã tuẫn tiết. Trung Úy Danh nói thêm Thiếu Tướng tự sát vào khoảng 6-7 giờ  rạng ngày 1 tháng 5 năm 1975. Ông dùng tay mặt cầm khẩu Colt-45 bắn vào màng tang bên phải, máu thấm đầy quân phục, đầu ngả sang bên trái. Trên bàn giấy, chiếc cặp của Thiếu Tướng có một số giấy tờ và khoảng 40,000 đồng tiền Việt Nam. Bác Sĩ Trung Tá Hoàng Như Tùng và một số chiến hữu lo tẩm liệm và đưa ra an táng tại Nghĩa Trang Quân Đội Cần Thơ ngày 2 tháng 5 năm1975. 

    Tháng 3 năm 1984, vợ tôi cùng cô cháu gái là Nguyễn Mạnh Diệu Thúy từ Sài Gòn về Cần Thơ xin hốt cốt, lúc này tôi đang ở tù tại Nam Hà-Ba Sao. Khi hài cốt được đưa lên, nhà tôi thấy còn nguyên bộ xương, đặc biệt hàm răng còn rất tốt chưa trám và hư hỏng cái nào, một thẻ bài quân nhân có tên Nguyễn Khoa Nam, một cuốn kinh Phật đựng trong bao nylon và một khẩu Browning. Bộ xương đã được thiêu liền khi đó. Khi thiêu xong tro hài cốt được gia đình đựng trong bình sứ, đem về Sài Gòn ngay hôm đó. Vài ngày sau, lễ phục tang được tổ chức tại chùa Già Lam với sự tham dự đông đủ thân nhân và bà con nội ngoại. Hiện nay tro hài cốt của Anh được đặt thờ tại chùa Già Lam, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định.

    Nếu nói về con người của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam là một chuyện rất khó vì anh em tôi tuổi xa cách nhau. Trong gia đình, anh là một người ít nói, thích sống riêng một mình, nhiều lúc có tâm sự gì cũng không nói với ai nên có vẻ khó hiểu. Thời kỳ làm công chức cũng như khi nắm quyền chỉ huy trong quân đội, tôi thấy anh sốt sắng với mọi người nhưng lạnh nhạt với bà con thân thuộc, nhiều bà con đã chê trách khi cần nhờ vả việc gì.

  Tôi nghĩ Anh có tình cảm, nhưng tình cảm san sẻ đồng đều cho mọi người nhất là những người nghèo khổ như gia đình binh sĩ. Bà con đến nhờ vả việc gì, ông không tiếp. Là một quân nhân thuần túy, Anh không muốn chính trị, tôn giáo xen vào quân đội. Hồi còn làm Tư Lệnh SĐ7BB, có một lần một vị Thượng Tọa đến nhờ một việc mà Anh không tiếp. Các Cha, các Thầy cũng vậy thôi.

    Anh là một nghệ sĩ. Hồi nhỏ, lúc còn học ở bậc Trung Học, đã là một họa sĩ. Năm 1945, tranh vẽ đã được trưng bày ở triển lãm. Trong các năm tản cư 1946-1947, suốt ngày anh say mê bên khung vải, tranh vẽ đủ loại: sơn dầu, sơn bột, chì. Cũng là một người có khiếu về âm nhạc và có trình độ ký âm khá. Anh từ nhỏ luôn luôn thích sống cô đơn, thấm nhuần tư tưởng Khổng Giáo và Phật Giáo. 

Ông Nguyễn Khoa Phước, cựu Nghị Sĩ thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa, là em ruột của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam.

_________________________________________________


Kỷ Niệm Về Nguyễn Khoa Nam
Vĩnh Bội - Đầu hè 1993


Ừ nhỉ, một buổi trưa hè oi bức như hôm nay. 
Tôi đặt bút nhìn quanh Thư Viện Quốc Gia Paris. Những mái đầu tóc hoa râm hay bạc trắng - đến đây để tìm lại cội rễ - chăm chú mắt dán vào chồng sách cũ kỹ đã vàng úa màu thời gian ...

- Bội ơi, tau muốn làm báo, mi có chịu không?

- Tau có viết báo khi mô mà nói! Tôi trả lời Nguyễn Khoa Nam.

    Tình cờ vì một sự dồn lớp sao đó, đầu hè 1950, tôi và Nam đã chọn được hàng ghế cuối, để dễ bề nói chuyện thỏa thích mà không ai chú ý. Trở lại mái trường xưa sau bốn năm xa cách; nhớ lại ngày Tổng Khởi Nghĩa mùa đông 1946! Chúng tôi gồm ba lớp đệ nhất, cùng với các bậc đàn anh như Cao Văn Khánh (sau này mệnh danh là con hùm xám Pleiku), Đoàn Huyên (sau trở thành Thượng Tướng Việt Cộng), vui vẻ lên đường, nhịp nhàng theo điệu “Tiến Quân Ca”, quay nhìn lại để thấy: “Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng” mà giờ đây chỉ còn lại mình tôi trơ trọi, lạc lõng giữa kinh thành xa lạ.

    Huế đã đổi khác nhiều quá. Một sự im lặng nặng nề đến ngạt thở, bao trùm cả hè phố, thỉnh thoảng chỉ bị lay động bằng những hồi còi của đoàn lính lê dương đi tuần. Những ý nghĩ vẩn vơ đưa tôi về với Nguyễn Khoa Nam. Tôi vẫn hình dung rõ ràng trong trí, bóng dáng người thanh mảnh, nho nhã có nụ cười hiền hòa, gương mặt cân đối, nước da trắng, môi hồng như con gái, đôi mắt trong sáng, nhưng không kém phần ranh mãnh.

- Tau muốn lấy tên tờ báo là “Mấy anh mấy chị.”

Tôi lại càng ngạc nhiên hơn, đưa mắt như thầm hỏi, thì Nam phá lên cười:

- Mi biết không, bưởi sáng đi học qua chùa Ba La, khi mô tau cũng thấy một mụ ăn mày, ngả nón xin tiền nói: “Thưa mấy anh mấy chị. Mụ nói rát cổ nhưng chẳng ai cho đồng xu ten ...”

    Rồi Hè trôi qua, tôi rời Huế, không biết tờ báo “Mấy anh mấy chị”có thành hình không, duy chỉ biết mình về đây để lại dự khán nhiều lớp thanh niên khác ra các chiến trường khốc liệt như Hòa Bình, Na Sản, rồi Điện Biên Phủ.

    Mười năm trôi qua, trở về Việt Nam vào năm 1960, mặc dầu bận rộn trong công việc kỹ thuật, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng được nghe nói đến Nguyễn Khoa Nam. Anh đã hoàn toàn đổi khác, và nay trở thành một vị chỉ huy quân đội lừng danh.

    Pierre Darcourt, phóng viên kiêm sử gia Pháp, kể lại trong cuốn: “Vietnam, qu'as tu fais de tes fils?” (Việt Nam, anh đã làm gì các con anh?) Cuộc phỏng vấn như sau:

    “Tướng Nam tiếp tôi tại văn phòng Tư Lệnh. Vị Tư Lệnh Quân Đoàn IV, siết mạnh tay tôi, 48 tuổi, màu da sạm nắng, người chiến sĩ Dù ấy có vóc dáng rắn chắc, được huấn luyện cực khổ trong trường nhảy dù của Pháp, rồi sau được Mỹ huấn luyện về hành quân trực thăng vận. Pierre Darcourt viết: “Điều đầu tiên làm cho ta chú ý đến ông là vẻ mặt của một chiến sĩ cao quý.”

- Tướng Nam, tôi đến để tìm hiểu tình hình quân sự.

- Tôi xin nói về tình hình của Quân Khu IV. Những đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân được cắt giữ gìn lãnh thổ; do đó tôi còn đầy đủ 3 sư đoàn chính quy để hành quân và đánh mạnh vào những đơn vị Cộng Sản xâm nhập từ Cao Miên. Ngày hôm qua và hôm nay, chúng tôi chạm nặng với một trung đoàn của Công Trường 5 Bắc Việt. Chúng tôi cũng thu được trên 100 vũ khí đủ loại, kể cả đại bác không giật, súng cối, phóng hỏa tiễn và luôn cả đại liên phòng không nữa.

- Ông làm thế nào để giải thích được sự sụp đổ ở miền Trung.

Tướng Nam vươn vai, đứng lên đi bước một trong văn phòng. Sau mấy phút im lặng, ông lại ngồi xuống ghế và nói tiếp:

- Ông Thiệu bị ám ảnh vì chuyện bị người Mỹ bỏ rơi. Tôi tin là ông Thiệu muốn làm cho tình hình đột nhiên hóa ra bi thảm, hy vọng rằng cuối cùng, Tổng Thống Ford sẽ vượt qua được một vài giới hạn nào đó để tiếp tục yểm trợ cho chúng tôi. Nhưng ông Thiệu tính lầm. Và chúng ta đã tốn quá nhiều giấy mực bàn về chuyện này. Cách tốt nhất để gây áp lực với Quốc Hội Hoa Kỳ và Tòa Bạch Ốc là chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. Ngay cả phía Bắc Việt cũng không tin rằng họ dễ thành công đến như vậy. Bằng chứng rõ nhất là mãi đến tuần qua, 4 công trường chiến lược của miền Bắc mới vượt tuyến 17 xâm nhập miền Nam.

Tướng Nam nắm tay tôi và nói thêm:

- Chúng tôi đã làm việc với ông Thiệu gần 10 năm nay. Ông không còn được sự tín nhiệm của các tướng lãnh. Ông ban hành các mệnh lệnh mà không cần tham khảo ý kiến của ai.  Tôi nghĩ ông không còn thắng lướt các biến cố. Mọi người đang nổi giận vì quân đội bị hạ nhục.

- Thế ông tính sao đây? Lật đổ ông Thiệu chăng?

Tướng Nam bật lên tiếng cười chua chát:

- Dù sao, cũng không phải tôi đâu? Tôi chỉ là một người lính chuyên nghiệp. Nhiệm vụ tôi là đánh giặc và tôi sẽ tiếp tục đánh trận. Chính trị là chuyện bẩn thỉu. Tôi không muốn lội trong vũng bùn nhơ nhớp đó.

    Việt Nam ta có câu: “Con dòng cháu giống”. Pháp thì nói: “Bon sang ne sais pas mentir”, còn tôi vì là con nhà Phật nên tin ở thuyết luân hồi. 28 tháng 4 năm 1915, ta hãy đọc cố đạo Cardière viết:

    “Trong phiên họp để thuyết trình về việc tìm kiếm những ngôi mộ cổ của dòng họ Nguyễn Khoa tại làng Tứ Tây, phía Đông Nam núi Ngự Bình, tôi có nhờ ông Nguyễn Khoa Đạm, giáo sư Hán Văn trường Quốc Tử Giám, và ông Nguyễn Khoa Kỳ, Tư Vụ Bộ Hình, dịch các bia mộ, đồng thời sưu tầm gia phả dòng họ Nguyễn Khoa. Trong Đại Nam chánh biên liệt truyện sơ tập, và Đại Nam liệt truyện tiền biên đã viết về một danh tướng khác tên là Nguyễn Khoa Kiên.” 

    P. Cardière kể tiếp: “Nguyễn Khoa Kiên thuộc đời thứ bảy dòng họ Nguyễn Khoa, sanh năm Giáp Tuất (1754) và mất năm Ất Vị (1775)” -  đúng 200 năm trước ngày Tướng Nguyễn Khoa Nam tự vẫn.”

    Cuốn sách tham khảo cuối cùng vừa được xếp lại thì tôi cũng mệt nhoài, choáng váng. Ngả lưng ra ghế bành, ngước nhìn lên trần vòng cung cao vút kiến trúc và chạm trổ theo thời đại Trung Cổ, như điện Panthéon nơi chôn cất các vị anh hùng, danh nhân nước Pháp, tôi đi vào không tưởng và đàm thoại với “người quá khứ”:

- Bội ơi, ngó ôn mệ tau có oai không ?

- Thì đại ca cũng rứa, có thua chi mô!

Ông Vĩnh Bội là bạn học lớp Đệ Nhất trường Khải Định 
với Tướng Nguyễn Khoa Nam.


_________________________________________________



Ông Lê Ngọc Danh, cựu Trung úy QLVNCH, là Tùy viên Tư lệnh QÐIV-QK4 cho đến ngày 1 tháng 5 năm 1975. Ông là người đã trực tiếp chứng kiến cảnh cả hai vị tướng Nguyễn Khoa Nam và Lê Văn Hưng, Tư lệnh và Tư lệnh phó tự sát. Sau đây là chuyện ông kể trong “Hồi Ký Của Một Tuỳ Viên”, trích từ sách “Nguyễn Khoa Nam”.
Tháng 4 năm 1975
Tình hình chung vào tháng 3 năm 1975 rất căng thẳng. Vùng 1, vùng 2 đang đánh lớn còn Vùng 3 và 4 vẫn còn nguyên vẹn. Tư lệnh đi họp liên tục ở Tổng Tham Mưu, ở dinh Ðộc Lập gặp Tổng thống, lúc ở dinh phó Tổng thống. Thời gian còn lại, Tư lệnh thường đến các Tiểu khu và Sư đoàn nhưng đến nhiều nhất là tiểu khu Long An, Ðịnh Tường, Kiến Tường và Châu Ðốc. Vào đầu tháng 4, VC tấn công mạnh, nhằm vào quốc lộ 4 thuộc hai tiểu khu Ðịnh Tường và Long An. Sư Ðoàn 7 Bộ Binh chịu trách nhiệm khu vực tiểu khu Ðịnh Tường còn Sư Ðoàn 22 Bộ Binh rút từ Vùng 2 về chịu trách nhiệm khu vực tiểu khu Long An. Vào buổi trưa Tư lệnh đến tiểu khu Long An để biết tình hình địch, VC đã pháo rớt một quả hỏa tiển 122 ly trên giữa cầu Long An nhưng không gây thiệt hại gì. Ðịch càng ngày càng tấn công mạnh vào quốc lộ 4, Tư lệnh ngày đêm đến các đơn vị hay gọi điện thoại khích lệ tinh thần chiến đấu, không để mất vị trí hay bỏ chạy nên VC không chiếm được một vị trí nào cả.
Có một đêm, địch pháo kích trên 10 hỏa tiển 122 ly vào thành phố Cần Thơ, mục tiêu chính là Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn IV và tư dinh Tư lệnh. Vị trí pháo hướng đông chi khu Bình Minh thuộc tiểu khu Vĩnh Long, bay qua dinh Tư lệnh rớt bên xóm nhà đèn cách dinh độ 300 thước, kết quả tổn thất nhẹ về phía dân chúng.
Tình hình càng ngày càng căng thẳng, dân chúng di tản bằng tàu thủy hay máy bay có nhiều chuyến chở về Quân đoàn IV đổ dân xuống vùng Tri Tôn, Sa Ðéc. Trong lúc này, Tư lệnh rối bời lớp lo phòng thủ, lớp lo thăm viếng an ủi dân đã di tản từ vùng ngoại ô. Thiếu tướng ra lệnh các Tiểu khu ra sức cứu trợ nạn nhân chiến cuộc. Tư lệnh chỉ thị các đơn vị sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Quân đoàn IV và nhất là giữ quốc lộ 4 đừng để VC cắt đứt. Tư lệnh đặc biệt đến thăm tiểu khu Châu Ðốc, đi bộ thăm vòng đai phòng thủ quy mô của tiểu khu. Những ngày kế tiếp họp liên tục với các Tiểu khu và Sư đoàn. Trong lúc tình hình hỗn loạn, nhiều máy bay trực thăng từ hướng Sài Gòn lũ lược bay về phi trường Trà Nóc và một số bay ra hướng Phú Quốc.
Sáng ngày 24 tháng 4, Tư lệnh đi họp ở bộ Tổng Tham Mưu, nội dung tôi không rõ.
Sáng 25 tháng 4, họp ở tiểu khu Ðịnh Tường, có tướng Trường tham dự.
Ngày 27 tháng 4, Tư lệnh ra lệnh giới nghiêm, các đơn vị ở thế sẵn sàng chiến đấu, không được rời vị trí.
Sáng 28 tháng 4, cố vấn Mỹ có đến văn phòng Tư lệnh để nói chuyện, nội dung tôi không rõ.
Ngày 29, Tư lệnh vẫn đi bay, buổi chiều 29 về họp với tướng Mạch Văn Trường ở Bộ Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh ở gần phi trường Trà Nóc. Trên đường về, tôi thấy dân chúng lao xao, nhớn nhác chạy lung tung đi lượm đồ của tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ rút đi bỏ lại, giấy liệng đầy mặt đại lộ Hòa Bình, quần áo, lon, ly, đồ hộp lon bia vất tứ tung.
Áp lực địch vẫn nặng ở quốc lộ 4, Tiểu khu trưởng Tiểu khu Long An xin gặp Tư lệnh báo cáo tình hình nguy ngập và xin giật sập cầu Long An. Tư lệnh không cho và ra lệnh các đơn vị tiếp tục phòng thủ. Tư lệnh viết Nhật Lệnh đưa thiếu tá Ðức, Chánh văn phòng chuyển đến phòng Chiến tranh Chính trị để đọc trên đài Phát thanh và Truyền hình để trấn an dân chúng và anh em binh sĩ. Vào buổi chiều, tôi thấy được hình Tư lệnh và kèm theo là Nhật lệnh, nội dung ngắn gọn trấn an dân chúng không được bạo động còn việc tử thủ không được đọc trên đài truyền hình. Sau khi thấy đọc, Tư lệnh buồn buồn chấp tay về phía sau đi tới đi lui trong phòng làm việc ở Bộ Tư lệnh. Sau đó, tướng Hưng, Tư lệnh phó vào gặp Tư lệnh (Nội dung cuộc nói chuyện tôi không rỏ). Về sau, tôi được biết nội dung bản Thông cáo đã bị sửa lại, không chính xác như lời Tư lệnh đã viết.
Ðêm 29, VC tấn công mạnh ở phi trường thuộc tiểu khu Vỉnh Bình. Ðịch đã nhiều lần đánh rát vào phi trường nhưng bị đẩy lui và thiệt hại nặng. Tư lệnh bảo tôi gọi Trung tá Sơn, tiểu khu trưởng tiểu khu Vỉnh Bình để ông nói chuyện. Trong lúc VC tấn công mạnh vào phi trường, tiểu khu xin máy bay yểm trợ nhưng không có máy bay.
Sáng sớm 30 tháng 4, Tư lệnh bay xuống họp ở tiểu khu Ðịnh Tường. Cuộc họp nhanh và xong bay về Cần Thơ. Trở lại Quân đoàn, xin nói rõ về phòng làm việc của Tư lệnh, phòng làm việc chia hai tầng. Tầng trên có sẵn từ trước, thêm tầng dưới là hầm dưới chân phòng làm việc chính thức. Ở hầm này, rộng và cao, thiết trí giống như phòng làm việc ở tầng trên, có lối đi xuống từ văn phòng Tư lệnh. Hầm làm việc này mới được xây lúc Vùng 1 và 2 đang xảy ra việc đánh lớn.
Tình hình sáng 30 tháng 4 rất vắng vẻ, dân chúng thưa thớt đi lại, xe cộ hạn chế. Về tinh thần binh sĩ vẫn hăng say chiến đấu, các đơn vị không nơi nào bỏ vị trí, không nơi nào bị địch chiếm đóng mặc dù địch tăng cường những cuộc tấn công mạnh.
Vào 10 giờ sáng, tôi được báo cáo là Thiếu tá Chánh văn phòng rời văn phòng bỏ đi cùng với đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Phong Dinh cùng một số sĩ quan, lộ trình sông Hậu ra biển. Tôi vội xuống hầm, nơi làm việc mới của Tư lệnh, tôi thấy Tư lệnh đang ngồi và viết ở bàn làm việc. Tư lệnh thấy tôi theo thường lệ kéo lệch cặp mắt kiếng xuống và hỏi:
- Có gì không?
- Trình Thiếu tướng, thiếu tá Chánh văn phòng và đại tá Tỉnh trưởng Phong Dinh đã bỏ đi cùng với một số sĩ quan bằng tàu theo sông Hậu.
Tư lệnh điềm nhiên không giận và nói:
- Ði hả! Ði làm chi vậy.
Nói xong, Tư lệnh tiếp tục xem giấy tờ, thái độ trầm tỉnh không la không buồn. Tôi bước lên cầu thang về phòng làm việc của mình, lúc này tôi mở radio 24/24 đi theo dõi tình hình ở Sài Gòn.
Tư lệnh bấm chuông gọi tôi vào và bảo:
- Gọi đại tá Thiên gặp tôi.
- Dạ.
Ðại tá Thiên mới nhận chức vụ Tiểu khu trưởng Tiểu khu Phong Dinh kể từ sáng ngày 30 tháng 4.
Bất chợt, tiếng của tổng thống Dương Văn Minh vang lên trên đài phát thanh. Ông tuyên bố đầu hàng vô điều kiện với VC và nói:
- Tất cả các đơn vị trưởng và anh em binh sĩ ở yên tại chỗ, bàn giao vị trí cho Chính Phủ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.
Tôi vội xô cửa vào phòng làm việc của Tư lệnh và nói:
- Tổng thống Dương Văn Minh đã …..
Tôi nói chưa hết câu, Tư lệnh nhỏ nhẹ cắt ngang lời tôi:
- Qua đã nghe rồi.
Tôi lặng người chầm chậm bước ra. Trong lúc này, nhiều lần Tư lệnh phó liên tục đi vào cửa chánh gặp Tư lệnh. Qua điện thoại, Ðại tá Tiểu khu trưởng Tiểu khu Long An xin gặp gấp Tư lệnh, lần thứ hai, Ðại tá xin giật sập cầu Long An để cắt đường VC chuyển về Vùng 4. Tư lệnh bảo tôi chuyển lời, cầu để yên không được phá sập.
Trưa 30 tháng 4, sau khi đi ăn cơm trưa ở câu lạc bộ Cửu Long về, Tư lệnh đi thẳng vào phòng làm việc. Qua lỗ kiếng nhỏ thông qua phòng làm việc, tôi thấy Tư lệnh đang soạn một số giấy tờ để trên bàn. Tư lệnh nhìn từ trang một, rồi từ từ xé bỏ vào sọt rác. Khoảng 2 giờ chiều, Tư lệnh xuống phòng làm việc dưới hầm. Tôi không biết Tư lệnh làm gì bởi vì phòng làm việc này không có nơi nhìn thấy Tư lệnh được. Tư lệnh bấm loa gọi tôi:
- Danh xuống đây tôi bảo.
Tôi vào phòng trên đi theo cầu thang xuống gặp Tư lệnh. Ông đang ngồi ở sofa nhìn về hướng bản đồ Vùng 4, thấy tôi đến Tư lệnh nói:
- Danh tháo bỏ những ranh giới, những mủi tên trên bản đồ. (Những đường ranh và những mũi tên làm bằng những băng keo màu xanh đỏ). Tôi từ từ tháo bỏ, nhìn tổng quát, tôi thấy bản đồ chia ra từng ô nhỏ, những mũi tên xanh đỏ châu đầu vào nhau, những răng bừa màu xanh với những mủi tên đỏ chĩa vào (Có thể đây là bản đồ về Hành Quân Mật theo như tin đồn). Tôi tháo gỡ tất cả những băng keo bỏ vào sọt rác, tháo xong tôi nói:
- Trình Thiếu tướng, em đã tháo xong.
- Ðược rồi.
Tư lệnh buồn buồn theo cầu thang lên phòng làm việc tầng trên, tôi chầm chậm bước theo Tư lệnh và ra phòng làm việc của tôi. Ðộ 10 phút sau, Tư lệnh bấm loa gọi tiếp:
- Danh vào tôi bảo.
- Dạ.
Tôi xô cửa đi nhanh vào, Tư lệnh nhìn tôi nói:
- Tháo bỏ những vị trí trên bản đồ này.
- Dạ.
Tôi đang lúi húi tháo và liếc nhìn, tôi thấy Tư lệnh chấp tay về phía sau chầm chậm đi tới, đi lui. Tôi tháo xong:
- Trình Thiếu tướng, em đã tháo xong.
Nói về phòng làm việc của Tư lệnh, trước khi vào phải qua ba vọng gác: Từ ngoài vào, vọng gác 1 ngoài đầu đường trước khi vào phòng chờ đợi. Vọng gác 2 ngay phòng chờ đợi sát cổng Bộ Tư lệnh. Vọng gác 3 lên tam cấp trước cửa vào phòng làm việc của Tư lệnh.
Vào khoảng 4 giờ chiều, Quân cảnh ở phòng chờ đợi (Vọng gác 2) lên gặp tôi nói:
- Có hai ông VC mặc đồ thường phục, trên dưới 50 tuổi xin vào gặp Tư lệnh. Tôi nói:
- Anh bảo họ chờ một chút để tôi trình Tư lệnh.
Tôi gõ cửa vào gặp Tư lệnh và nói:
- Trình Thiếu tướng, có hai VC mặc thường phục xin vào gặp Thiếu tướng.
- Ðược, mời họ vào.
Tôi xuống phòng khách gặp hai VC, tôi thấy hai người đang chờ ở đây, một người cao ốm nước da trắng, tóc hoa râm độ trên 50 tuổi, ăn mặc thường phục giống như thầy giáo, một người hơi thấp, nước da ngâm đen cũng mặc thường phục, họ đi tay không, không mang giấy tờ và vũ khí. Tôi hướng dẫn hai người này lên bậc tam cấp vào phòng làm việc của Tư lệnh. Tư lệnh chào hỏi và mời ngồi sofa, tôi bước nhanh ra phòng làm việc gọi người hạ sĩ quan mang trà vào. Tôi mang vội khẩu súng colt và lấy khẩu AR15 lên đạn và bước nhanh vào phòng làm việc Tư lệnh. Tôi đứng sau hai ông VC này với tư thế sẵn sàng cách khoảng 4 thước, tôi sợ hai ông này ám sát Tư lệnh, tay súng sẵn sàng nếu hai ông này có hành vi lạ là tôi nổ súng bắn liền. Tư lệnh ngồi đối diện với họ, đang nói chuyện rất nhỏ tôi không nghe được. Bất chợt Tư lệnh ngước lên, nhìn tôi và bảo:
- Danh đi ra ngoài đi tôi nói chuyện.
Tôi ấp úng trả lời:
- Dạ … em ở đây với Thiếu tướng.
- Ðược rồi không sao đâu! Em ra ngoài đi.
- Dạ
Tôi ra lại phòng làm việc, súng vẫn thế thủ, mắt nhìn về hướng theo kẻ hở của cánh cửa đang hé mở. Tôi thấy Tư lệnh với họ vừa uống trà vừa nói chuyện. Cuộc nói chuyện kéo dài trên 10 phút. Tư lệnh và hai người chỉ nói chuyện không đưa ra sổ sách hay giấy tờ gì cả. Hai người đứng dậy giả từ. Tư lệnh bắt tay, rồi hai người theo cửa trước xuống bậc tam cấp ra về.
Tư lệnh ngồi buồn, kế đứng dậy đi tới đi lui như lúc trước, thời gian này rất căng thẳng và ngộp thở. Tôi suy nghĩ lung tung, nếu VC chiếm được Vùng 4 thì Tư lệnh sẽ ra sao? Tại sao Tư lệnh vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra, bây giờ còn đi ngoại quốc được không? Còn máy bay không? Hay là Thiếu tướng có người thân phía bên kia? Những câu tự hỏi đã vây chặt trong tôi.
Bất chợt tiếng la ó vang dậy ở ngoài đường. Ðoàn người rất đông chạy ngang qua cửa Bộ Tư Lệnh, chạy dài xuống cầu Cái Khế. Họ vừa chạy vừa la hét vui mừng, thì ra đó là những người tù vừa được thoát trại giam, tôi thò đầu ra cửa sổ nhìn ra ngoài đường, tôi thấy bọn tù trên dưới 50 người, quần áo xốc xếch, có người mặc quần cụt, có người cởi trần vừa chạy vừa nhảy lên vừa reo hò vui vẻ nhưng họ không phá phách.
Khoảng 6 giờ chiều, điện thoại có tiếng lạ. Thông thường khi có chuông reo, tôi thường nói: Tôi trung úy Danh, tùy viên Tư lệnh, xin lổi ai đầu dây? Ở đầu dây xưng cấp bậc tên họ chức vụ rồi nói nhu cầu. Ðàng này sau khi tôi nói, bên kia đầu dây đáp:
- A lô ai đó? A lô ai đó?
Và tiếng lạ tôi không quen thuộc, tôi gác máy không trả lời. Còn đường dây Hotline trực tiếp của Tư lệnh tôi không rõ. Như vậy VC đã vào đường dây điện thoại. Trong lúc rối rắm, tôi qua phòng Tư lệnh phó gặp trung úy Nghĩa, tùy viên Tư lệnh phó. Lúc gặp anh Nghĩa, tôi nói tình trạng điện thoại đã bị VC chiếm và tôi đã nghe có tiếng lạ. Tôi đề nghị, nếu Tư lệnh và Tư lệnh phó muốn nói chuyện với nhau mình phải dùng máy PRC25, đồng thời tôi viết một loạt tần số để xử dụng máy PRC25 và đánh số thứ tự A, B, C, D … để Tư lệnh nói chuyện kín hơn.
Khoảng 6 giờ rưỡi, Tư lệnh sữa soạn về tư dinh, Thiếu tướng nói với tôi:
- Danh chuẩn bị xe đi thăm bệnh viện Phan Thanh Giản.
- Dạ.
Xe chở Tư lệnh từ văn phòng đi thẳng vào bệnh viện. Tư lệnh đến từng giường hỏi thăm thương binh, kẻ nằm người ngồi, băng tay băng đầu, có người mất một chân, chân còn lại quấn dây băng treo lên trên giá. Tư lệnh đến bên thương binh này hỏi:
- Em tên gì?
- Dạ em tên …
- Em ở đơn vị nào? Có khỏe không?
- Dạ khỏe, em là Ðịa phương quân ở tiểu khu Vỉnh Bình.
Tư lệnh nói tiếp:
- Em nằm nghỉ dưỡng bệnh.
Tư lệnh đi từ đầu phòng đến cuối phòng hỏi thăm từng bệnh nhân, rồi Tư lệnh đi qua dãy kế bên và tiếp tục hơn một giờ buồn tẻ và nặng nề chầm chậm trôi qua. Gần giường một thương binh, anh cụt hai chân, vải băng trắng xóa, máu còn rịn ra lóm đóm đỏ cuối phần chân đã mất. Tư lệnh đứng sát bên và hỏi:
- Vết thương của em đã lành chưa?
- Thưa Thiếu tướng, vết thương mới mấy ngày còn ra máu chưa lành.
Với nét mặt buồn buồn, Tư lệnh nhíu mày lại làm cặp mắt kiếng đen lay động. Tư lệnh chưa kịp nói, anh thương binh này bất chợt chụp tay Tư lệnh mếu máo:
- Thiếu tướng đừng bỏ tụi em nhe Thiếu tướng.
- Qua không bỏ các em đâu! Qua ở lại với các em.
Qua ánh đèn của bệnh viện, tôi thấy Tư lệnh đưa tay nâng sửa cặp mắt kính đen và hai giọt nước mắt từ từ chảy lăn dài trên khuôn mặt đau thương. Tư lệnh nén đau thương, người đã khóc, khóc không thành tiếng và những giọt nước mắt tự nhiên tuôn trào. Tư lệnh vịn vai người thương binh nói trong nghẹn ngào:
- Em cố gắng điều trị …. có qua ở đây.
Tư lệnh bước hơi nhanh ra cửa bệnh viện, ra sân Tư lệnh dừng lại quay mắt nhìn lại bệnh viện. Tư lệnh đứng yên bất động khoảng một phút rồi bước vội ra xe không nói gì cả, sự im lặng quá nặng nề, suốt trên đường về tư dinh, Tư lệnh không nói một lời nào.
Về đến tư dinh, tôi thấy Quân cảnh vẫn còn gác ở cổng, tôi đi một vòng xung quanh, những vọng gác vẫn còn người gác, tuy nhiên tôi thấy ít lính đi tới đi lui như mọi hôm, có lẻ họ đã bỏ đi bớt. Sau khi cất khẩu Colt đeo trên người, tôi xuống nhà bếp gặp trung sĩ Ngộ quản gia xem hôm nay anh nấu món gì vì hôm nay thăm bệnh viện về trễ. Gặp anh Ngộ, tôi nói:
- Anh Ngộ bắt một con gà làm và luộc để Thiếu tướng dùng.”
- Dạ con gà nào Trung úy?
- Ðàn gà nòi Thiếu tướng nuôi anh chọn một con.
Lúc này trên 8 giờ tối, phía Cồn Cát cách một con sông phía sau dinh, thỉnh thoảng VC bắn bổng những loạt AK đạn lửa bay đỏ xé màn đêm đen nghịt, càng lúc VC bắn càng nhiều. Con gà, anh Ngộ làm và nấu xong, đích thân tôi ra sau trailer mời Thiếu tướng vào ăn cơm. Tư lệnh ngồi vào bàn ăn và nói:
- Danh ngồi ăn cơm cho vui.
Ði các đơn vị hay tiểu khu, tôi ăn cơm chung với Tư lệnh, còn ở dinh Tư lệnh thường ăn cơm một mình, vừa ăn cơm vừa xem truyền hình rất lâu. Hôm nay, lần đầu tiên Tư lệnh gọi tôi ăn cơm chung ở dinh, tôi thấy có điều gì, hơn nữa sự việc xảy ra tùm lum bụng dạ đâu mà ăn với uống. Tư lệnh thấy thịt gà xé nhỏ, còn nước luộc gà làm canh, Tư lệnh hỏi:
- Thịt gà đâu vậy?
Tôi gượng cười nói:
- Dạ mấy con gà Thiếu tướng nuôi ở sau, em bảo anh Ngộ làm một con để Thiếu tướng dùng.
- Làm thịt chi vậy, ăn như vậy được rồi. Thôi ăn để nguội.
Tư lệnh không ăn cơm, chỉ dùng vài muỗng canh, vài miếng thịt gà. Còn tôi thì no hơi, ăn hết vô, qua loa vài miếng vội buông đũa và nói:
- Dạ em ăn xong, Thiếu tướng dùng tiếp.
Thiếu tướng nói:
- Ăn tiếp, sao Danh ăn ít vậy, thịt còn nhiều.
Vừa nói, Tư lệnh gắp bỏ cho tôi một miếng thịt xé phay dài. Trời! Ăn gì nổi, bình thường ăn thấy ngon bây giờ ăn thịt gà cũng như ăn cây mục, miệng đắng nghét, tôi cố gắng nuốt trôi hết miếng thịt này, xong xin phép Thiếu tướng ra phòng làm việc. Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy vắng lạnh, một sự vắng vẻ đáng sợ, một số anh em quân nhân đã bỏ đi, số còn lại một vài người đã mặc thường phục, một số vẫn còn mặc đồ lính. Còn hướng phòng trung úy Hỉ, sĩ quan bảo vệ cũng vắng ngắt, có lẻ anh đã bỏ đi (nhà trung úy Hỉ ở gần phi trường Trà Nóc). Còn trung úy Việt cùng vợ 2 con vẫn còn ở lại nhà cạnh bờ sông. Việt và tôi gặp nhau chỉ biết lắc đầu, rồi Tư lệnh đến bàn làm việc của tôi nói:
- Có liên lạc với tướng Hưng không hè?
- Dạ điện thoại bị mất liên lạc, có tiếng lạ em không dám gọi. Tôi nói tiếp:
- Dạ, Thiếu tướng muốn nói chuyện với Tư lệnh phó?
- Qua muốn nói chuyện.
Tôi nói với Tư lệnh:
- Vào lúc 5 giờ chiều, hệ thống điện thoại có tiếng lạ, em có cho anh Nghĩa, tùy viên Tư lệnh phó một số tần số PRC25 để lúc cần Thiếu tướng nói chuyện, nhưng bây giờ em không liên lạc được.
Tôi nói tiếp:
- Ðể em đi lại dinh Tư lệnh phó nói mở máy PRC25 để Thiếu tướng nói chuyện.
Tư lệnh làm thinh, tôi bảo anh Thông tài xế lấy xe jeep chở đi từ tư dinh đến dinh Tư lệnh phó đối diện dinh Tỉnh trưởng Phong Dinh. Sắp sửa rẽ phải vào dinh Tư lệnh phó thì thấy phía bên trái trước dinh tỉnh trưởng có một VC với khẩu AK ở tư thế sẵn sàng, để súng cạnh sườn, mủi súng chỉa lên trời. Anh Thông tài xế kêu tôi và chỉ:
- VC đã vô tới rồi.
Tôi bảo tài xế:
- Quay trở lại đi không ổn rồi.
Tài xế lái nhanh về dinh Tư lệnh và đóng cửa dinh lại. Tôi xuống xe bảo các anh em còn lại kéo khoảng 4-5 vòng kẻm gai rào chặn từ cổng vào hướng cột cờ, rào xong tôi vào trailer báo Tư lệnh:
- Trình Tư lệnh, VC đã vào đến dinh Tỉnh trưởng. Em thấy có một VC cầm súng AK ở trước dinh Tỉnh trưởng.
Tư lệnh làm thinh không nói gì cả, khoảng hai phút sau, tôi nói với Thiếu tướng:
- Em đi lần nữa, để Thiếu tướng nói chuyện với Tư lệnh phó. Tư lệnh nhỏ nhẹ nói:
- Thôi đừng đi coi chừng nó bắt.
- Dạ không sao!
Nói xong, tôi cởi bỏ áo lính, vẫn mặc quần lính mang giày với áo thun vội ra sân gọi anh tài xế:
- Anh Thông đâu đến tôi nhờ một chút.
Tôi la lên, không một tiếng trả lời. Anh Ngộ quản gia nói:
- Em vừa thấy anh Thông ra cổng. Anh đã bỏ đi rồi.
Bất chợt có một anh (tôi quên cấp bậc và tên):
- Trung úy cần gì em giúp.
- Anh muốn đến dinh Tư lệnh phó.
- Ðược rồi để em đưa ông thầy đi.
Anh lính lấy chiếc Honda màu đỏ chạy đến và nói:
- Ði Honda tiện hơn Trung úy.
Rồi anh chở tôi về hướng dinh Tư lệnh phó, rẻ vào dinh anh đậu cách đây khoảng 10 mét bên lề đường.
Dinh Tư lệnh phó, trước và sau có cổng ra vào bằng cửa sắt, xung quanh xây tường cao độ 2 mét. Cửa trước đối diện với dinh Tỉnh trưởng, cửa sau quay ra mặt đường. Cửa trước và sau đều đóng và khóa chặt, từ cửa trước nhìn vào tôi đi sát hông tường bên phải, có một cây ổi mọc từ phía trong xòe nhánh phủ ra bên ngoài. Trong dinh im lặng không một tiếng động, tôi gọi lớn:
- Nghĩa ơi Nghĩa, Phúc ơi Phúc, tao là Danh.
Tôi gọi 4, 5 lần nhưng vẫn thấy im lặng không có tiếng trả lời.
Tôi linh cảm không ổn, tôi gọi tiếp và quay lại định trở về, tôi thầm nói không lẻ mình bỏ cuộc. Tôi nói qua với anh lính đậu bên kia đường:
- Anh ráng chờ tôi một chút.
Bất chợt có tiếng nổ đùng, có tiếng xôn xao, tiếp theo tiếng khóc. Tôi chạy lại vách tường có nhánh cây ổi xòe ra, tôi quyết định đu nhánh ổi này nhảy vào, tay phải níu nhánh ổi, tay trái vịn vào vách tường miệng liên tục la lớn:
- Tôi trung úy Danh đừng bắn, tôi trung úy Danh đừng bắn. Miệng la tay níu kéo leo vào, tôi lên được đỉnh tường theo đà cây ổi tuột xuống đất. Gặp tôi, anh Nghĩa vừa nói vừa khóc:
- Chuẩn tướng tự sát chết rồi Danh.
- Lúc nào?
- Mới đây, chắc có lẽ hồi nảy Danh nghe tiếng súng nổ.
Anh nói tiếp:
- Chuẩn tướng đang ăn cơm, nghe tiếng động, ông bỏ bàn ăn đứng dậy, bà Tướng chạy theo ông ngăn lại. Tư lệnh phó vào đóng cửa lại và bắn vào ngực tự sát.
Tôi đến cửa, thấy cửa phòng hé mở, tôi xô nhẹ cánh cửa bước vào, tôi thấy tướng Hưng nằm bất động trên giường, bà Hưng đang ôm chầm Tư lệnh phó khóc, còn hai đứa con nhỏ đứng kế bên vô tư lự như không có gì xảy ra, kế bên những anh lính đang sụt sùi khóc. Tôi quay ra nói với anh Nghĩa:
- Thôi Danh đi về.
Tôi không nói anh Nghĩa mở tần số máy PRC25 gì nữa, chuẩn tướng đã chết rồi. Tình hình rối ren, bận rộn, tôi không nhờ mở cửa, tôi trèo cây ổi lên đầu tường rồi nhảy ra ngoài. Xuống đến mặt đất, tôi suy nghĩ lung tung: Tại sao Tư lệnh phó tự sát? Nếu Tư lệnh hay được thì ra sao? Hay là lúc tôi la to gọi anh Nghĩa, Phúc, ở đây tưởng VC vào tới nên Chuẩn tướng tự sát hay là … tôi vừa suy nghĩ vừa cúi đầu bước đi đến anh lính đậu xe Honda lúc nãy.
Trời! xe và người biến đâu mất, tôi đảo mắt nhìn quanh vẫn không thấy, chắc anh bỏ đi rồi, tôi không trách anh, anh đã giúp tôi như vậy cũng đủ lắm rồi. Tôi lội bộ từ đây cặp theo lộ Hòa Bình đi thẳng về dinh, trên đường phố vắng hoe không một bóng người lai vãng, chỉ có những mảnh giấy vụn vất bừa bải đầy đường, thỉnh thoảng bay tứ tung theo cơn gió (giấy tờ của tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ dân hôi của vất ra đường từ hôm trước).
Tôi đi bộ mất trên 15 phút về đến dinh, anh lính vẹt từng vòng kẽm gai tôi đi vào rồi kéo lại vị trí củ. Tôi đi nhanh về phía sau vào trailer để trình Tư lệnh sự việc đã xảy ra, vừa thấy Tư lệnh tôi vội vả nói:
- Trình Thiếu tướng em đến dinh Tư lệnh phó, đến nơi ông vừa tự sát chết, Tư lệnh phó đã bắn vào ngực.
- Tướng Hưng chết hả? Chết làm chi?
Tư lệnh chỉ nói vậy. Tôi trở ra về nơi làm việc, ngồi trên sofa suy nghĩ liên miên. Tư lệnh phó đã tự sát, chắc Tư lệnh sẽ tự sát theo. Tôi xuống nhà gặp trung úy Việt và nói Tư lệnh phó đã tự sát còn Thiếu tướng không biết thế nào? Hai đứa tôi không tìm ra câu trả lời.
Lúc này khoảng 11 giờ đêm, cứ khoảng 15 hay 20 phút tôi vào trailer một lần. Mổi lần vào liếc nhìn, tôi thấy Tư lệnh nằm nghỉ nhưng giày vẫn còn mang. Lần khác vào, Tư lệnh ngồi dậy đi về hướng tôi và hỏi:
- Có gì không?
- Em vào xem Thiếu tướng có sai bảo gì không?
Tư lệnh nói:
- Sao em không đi ngủ đi! khuya rồi.
Tôi nhỏ nhẹ nói:
- Trình Thiếu tướng, nếu VC vào dinh tụi em đánh không Thiếu tướng?
- Thôi đừng đánh nhau, họ vào để tôi ra nói chuyện.
Tôi rời trailer đi ra ngoài. Khoảng 10 phút sau, Tư lệnh ra phòng làm việc tôi đưa một gói hình chữ nhật dài độ 2 tấc, rộng 1 tấc, dầy 5 phân và nói:
- Danh cất tiền này dành để xài. (Có thể đây là tiền lương của Thiếu tướng không dùng để dành).
Xong Tư lệnh đi vào trailer, tôi hé mở gói này, bên trong toàn bạc 500, tôi đoán chừng trên 400 ngàn đồng và tôi để vào ngăn kéo nơi bàn làm việc. Tôi tiếp tục rón rén vào trailer để quan sát, tôi sợ Tư lệnh tự sát.
Khoảng 12 giờ 30 khuya, Tư lệnh ra gặp tôi nói:
- Sao Danh không đi ngủ? Thức cả đêm à?
- Dạ em ngủ không được.
Tư lệnh móc từ trong túi ra một khẩu súng nhỏ, ngắn hơn gang tay và nói:
- Danh cất khẩu súng này dành để hộ thân.
Tôi nhận khẩu súng bỏ vào ngăn kéo chung với gói tiền lúc nảy. Tôi xuống nói chuyện với anh Việt và anh Ngộ, Thiếu tướng đã cho tôi súng, không hiểu Tư lệnh có ý định gì?
Khoảng sau 1 giờ sáng, anh lính hơ hải chạy vào gặp tôi:
- VC tự động mở cửa vào dinh.
- Anh bảo họ chờ tôi một chút.
Tôi vội vả vào trailer để gặp Tư lệnh, tôi thấy Tư lệnh nằm nghĩ. Tôi trình:
- Trình Thiếu tướng, bọn VC đang vào dinh.
- Bảo họ chờ tôi ra nói chuyện.
Tôi đi nhanh ra trước cổng dinh, lúc bấy giờ tôi vẫn mặc áo thun, quần lính, mang giày. Gần đến cổng dinh, tôi thấy lố nhố 6, 7 người đang vẹt kẻm gai đi vào hướng cửa dinh. Ðến gần, tôi thấy 4 nam, 1 nữ có vấn đầu tóc lũng lẵng phía sau ót và một em bé độ 10 tuổi. Nam trang bị 1 khẩu AK, một người mang khẩu Carbin, một người mang súng lục (súng loại cảnh sát xử dụng) số còn lại tay không, không mang giấy tờ hay máy móc gì cả. Nhóm người này tuổi dưới 40, đến vòng kẻm gai thứ ba từ ngoài vào, còn hai vòng nửa từ cửa dinh ra, tôi vẹt kẻm gai và gặp họ tại đây. Một người trong nhóm quay qua hỏi tôi:
- Anh làm gì ở đây?
Tôi nói:
- Tôi làm quản gia.
Tôi nói trớ, không dám nói là tùy viên sợ bọn chúng bắn. Người mang khẩu AK hỏi tiếp:
- Anh cấp bậc gì?
- Tôi Trung sĩ.
Bất chợt người mang AK lên đạn đưa mủi súng vào phía sườn tôi và nói:
- Ði.
Tôi lúc bấy giờ hồn phi phách tán, chết là cái chắc. Trong nhóm có người nói:
- Ở đây nó làm lớn không hà, tính nó đi.
Bọn chúng từ từ hướng vào cửa dinh, đến gần cột cờ, đứa trẻ con ôm chầm lấy khẩu súng đồng thời Pháp, súng đặt dưới chân cột cờ để làm kiểng, đứa trẻ reo lên:
- Súng ngộ và đẹp quá.
Chị bới tóc tiếp theo:
- Nhờ có dịp này mới được vào dinh Tướng.
Tôi nghe và thấy những việc trên, cỏi lòng se lại. Bất chợt, nhóm người này dừng lại, người mang khẩu AK hất mặt ra dấu tôi đi qua hướng nhà bếp, ngang qua phòng ngủ của tôi. Chết rồi, chắc bọn chúng bắn mình ở đây, tôi chầm chậm bước đi, đầu ngoái lại cửa vô dinh. Tôi thấy Tư lệnh bước ra, đẩy nhẹ cánh cửa (cửa lưới chắn ruồi trước khi vào phòng làm việc).
Bọn người này bảo tôi dừng lại, ba người bước vào phòng (một người tay không, một người mang khẩu P-38, một người mang khẩu Carbin). Số còn lại lảng vảng phía ngoài, người mang AK vẫn hướng súng về phía tôi. Khoảnh khắc, trung sĩ Ngộ từ phòng Thiếu tướng đang nói chuyện với VC chạy đến tôi nói:
- Thiếu tướng bảo Trung úy lấy thuốc lá hút.
Có cớ vào gặp Tư lệnh, người mang AK bỏ thỏng súng xuống, tôi lặng lẽ bước đi, nhưng sợ hãi nó đàng sau bắn tới. Vô sự thế là thoát nạn, vào phòng tôi mở ngăn tủ lấy gói thuốc Capstan đầu lọc mời Thiếu tướng một điếu, 3 người mổi người một điếu (Tư lệnh hút thuốc 3 số 555 nhưng thỉnh thoảng hút thuốc Capstan đầu lọc). Tôi thấy Tư lệnh ngồi trên sofa băng dài, người tay không ngồi trên ghế nhỏ đối diện Tư lệnh, người mang khẩu P-38 ngồi dưới sàn nhà, tay cầm khẩu súng để trên đầu gối mủi súng hướng về phía Tư lệnh, còn người mang khẩu carbin đứng ngay cửa phòng tư thế tác chiến.
Xong nhiệm vụ tôi bước ra ngoài, người mang AK vẫn ở thế tác chiến nhưng không để ý đến tôi nữa. Trên dưới mười phút nói chuyện, nhóm người này rời dinh ra về, tôi vào phòng thấy Tư lệnh vừa đứng dậy bước ra ngoài với khuôn mặt buồn buồn, nhìn trên sofa tôi thấy điếu thuốc của Thiếu tướng còn cháy dở dang, mới 1/3 điếu nằm trên sofa bốc khói làm lủng một lổ nhỏ, tôi lấy vất đi. Cuộc nói chuyện này chỉ đơn phương, không có viết giấy tờ hay ký tên gì cả cũng không có máy móc khi hai bên gặp nhau. Tư lệnh vào trailer nằm nghĩ, tôi vào lần nữa thấy Tư lệnh nằm yên, chắc Tư lệnh đã mệt.
Trong suốt đêm 30 tháng 4, Tư lệnh và tôi hầu như không ngủ, khoảng 3 giờ sáng, tôi rón rén vào phòng Tư lệnh lần nữa, thấy Tư lệnh đang nằm yên không biết ngủ hay thức vì trong lúc nằm nghĩ vẫn mang cặp kính đen. Tôi cũng quá mệt ra phòng làm việc ngã lưng trên sofa một chút, vang vang bên tai những loạt AK nổ liên hồi, chắc đối phương nổ súng mừng chiến thắng.
Trong lúc nửa tỉnh nửa mê bổng nghe tiếng chuông “boong, boong, boong”, tôi bật mình ngồi dậy, nhìn đồng hồ thấy hơn 6 giờ, qua đến bàn Phật, tôi thấy 3 cây nhang Tư lệnh đã đốt và cắm sẵn trên lư hương khói bay nghi ngút. Tư lệnh mặc quân phục hẳn hoi đang nghiêng mình xá Phật. Tôi vội đi nhanh làm vệ sinh cá nhân, xong mặc quân phục vào và đến đứng nghiêm chào Thiếu tướng. Thiếu tướng đưa tay lên cỡ tầm ngực đáp lại và hỏi:
- Ðêm qua, Danh ngủ được không?
- Mệt quá em nằm nghỉ một chút.
Tư lệnh vẫn ngồi trên sofa nơi phòng thờ Phật, tôi đi sang qua phòng làm việc. Một lúc sau, Tư lệnh đến bên tôi hỏi:
- Gặp tướng Trường được không hè?
Lúc này khoảng 6 giờ 30 sáng.
- Dạ … dạ. Tôi ấp úng trả lời. Hồi chiều tối hôm qua ở trên lầu em thấy tướng Trường chạy xe jeep ngang qua dinh.
Tư lệnh hỏi tiếp:
- Có phải Trường không?
- Em ở trên lầu hơi xa, em thấy giống tướng Trường.
- Thôi đừng đi tìm, kẻo bị chúng bắt.
- Dạ.
Rồi Tư lệnh đi ra sau vào trailer, một lát sau Tư lệnh đi ra hai tay xách hai vali gặp tôi và anh Việt ngay ở cửa ra vào phòng thờ Phật. Tư lệnh đưa cho tôi một cái màu cam, còn trung úy Việt một cái màu đen hay nâu tôi không nhớ rỏ. Tư lệnh buồn buồn nói:
- Danh giữ cái này, Việt giữ cái này.
Tư lệnh chỉ nói ngắn gọn không nói thêm gì, hình như cổ ông nghẹn lại. Tư lệnh vội bước đi, cách vài bước Tư lệnh quay lại nói tiếp:
- À, quên chìa khóa. Rồi Tư lệnh đi thẳng về sau vào trailer, một lúc sau trở ra trao cho tôi hai chìa khóa và nói:
- Cái này của Danh, cái này của Việt.
Tôi linh tính sắp có điều gì sẽ xảy ra. Tư lệnh chầm chậm bước theo nấc thang lên tầng trên, tôi và anh Việt nối bước theo sau. Tư lệnh ra sân thượng, đứng sát bên lan can, mắt nhìn ra lộ Hòa Bình trước cửa dinh, tôi đứng bên tay phải Tư lệnh, anh Việt đứng bên trái. Trước lộ vài xe qua lại, người thưa thớt vắng vẻ như chiều 30 Tết. Bất chợt, Thiếu tướng bật khóc. Tướng cố nén tiếng khóc không bật thành tiếng, những giọt nước mắt cuộn tròn chảy dài trên khuôn mặt đau buồn vì nước mất nhà tan. Tôi cũng khóc theo, anh Việt cũng vậy, ba người đứng ở đây mặc cho nước mắt tự do tuôn chảy.
Tôi nghĩ Tư lệnh đi ngoại quốc hết kịp rồi, tới đây VC có bắt Tư lệnh không? Có làm hỗn bắn Tư lệnh không? Nếu sự việc xảy ra thì phải giải quyết làm sao? Tôi đang miên man suy nghĩ, Tư lệnh xoay lưng chầm chậm theo bậc thang xuống tầng dưới.
Tư lệnh sắp tự sát
Từ ngoài nhìn vô bàn Phật, Tư lệnh ngồi trên ghế sofa phía bên phải, đôi mắt đăm chiêu nhìn lên bàn thờ. Anh Việt bước ra cửa về thăm vợ con, còn trung sĩ Ngộ đang thập thò trước cửa. Tư lệnh đứng dậy đến bàn thờ lấy ba cây nhang đốt, xá ba xá cắm vào lư hương, gõ ba tiếng chuông “boong, boong, boong” xong xá 3 xá tiếp, xong Tư lệnh về ngồi nơi cũ, hai tay để trên thành gỗ sofa nhịp nhịp như không có chuyện gì sắp xảy ra. Bất chợt, Tư lệnh xoay qua bảo tôi:
- Danh ra ngoài bảo Việt dẫn vợ con đi đi.
- Dạ.
Tôi thầm nghĩ Tư lệnh và tôi độc thân chắc Tư lệnh nghĩ cách khác.
Tôi đẩy nhẹ cánh cửa bước ra sân hướng về phòng trung úy Việt. Tôi vừa đi khỏi cột cờ một chút nghe tiếng nổ “đùng” phát ra từ hướng bàn thờ Phật, tôi xoay người trở lại chưa kịp bước trung sĩ Ngộ thất thanh chạy la lên:
- Ðại úy ơi! Ðại úy ơi! Thiếu tướng tự sát chết rồi.
Trong lúc sợ hãi, anh Ngộ gọi tôi là Ðại úy. Tôi chạy nhanh vào thấy cảnh tượng hải hùng chưa bao giờ gặp. Tư lệnh ngã ngửa hơi lệch về phía sau sofa, đầu hơi nghiêng về bên trái, khẩu Colt 45 vẫn còn trong tay buông thỏng xuống lòng Tư lệnh nhưng những ngón tay cầm súng đã nới lỏng, đầu đạn xuyên qua màng tang phải qua trái, ngước mắt nhìn lên trần nhà. Tư lệnh chưa chết, nhưng nói không được, giật run rẩy người, miệng há hốc, từ trong cổ họng nấc lên tiếng “khọc, khọc, khọc” từng chập và từ từ nhỏ dần.
Anh Ngộ thấy vậy vội nói:
- Thôi mình chở Thiếu tướng đi bệnh viện.
Tôi và anh Ngộ ôm chầm lấy Thiếu tướng vừa khóc vừa nói:
- Chắc trễ rồi, vết thương ở đầu vô phương cứu chữa, hơn nữa Thiếu tướng đã quyết định tự sát. Hèn chi hôm qua Thiếu tướng đi thăm anh em thương binh ở bệnh viện Phan Thanh Giản rất lâu và nói với anh em thương binh qua ở lại với các em.
Anh Ngộ nói tiếp:
- Em đâu dám đến gần Thiếu tướng. Ðứng ở ngoài cửa em chỉ thấy lưng Thiếu tướng. Em thấy Thiếu tướng móc từ trong túi ra, em tưởng Thiếu tướng lấy thuốc hút, nào ngờ Thiếu tướng nổ súng liền em chạy lại đâu kịp.
Vừa nói anh Ngộ khóc nức nở, chúng tôi vẫn ôm choàng lấy Tư lệnh khóc. Trong lúc bối rối và hết hồn, tôi đâu có tâm trí đi xem đồng hồ, khoảng 7 giờ 30 ngày 1 tháng 5 năm 1975.
     Tư dinh tư lệnh Quân Ðoàn IV, nơi tướng Nguyễn Khoa Nam tuẫn tiết

Sưu Tầm online



.

No comments:

Post a Comment