Tuesday, May 20, 2014

Trung Quốc cần đánh Việt Nam hay không? By Hoàng Ngọc Diêu

 

May 21, 2014 at 12:29am
Ảnh Minh Ho
a. Thượng sách: Nếu nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục giữ thái độ và "lập trường" như suốt bao nhiêu năm qua vì bị những ràng buộc nào đó, Trung Quốc không cần đánh. Trung Quốc chỉ tiếp tục nuốt Việt Nam bằng kinh tế, bằng ảnh hưởng, bằng việc tạo sức ép mọi mặt. Biến Việt Nam thành cái vỏ Việt, ruột Trung Quốc một cách êm thấm để dần dà biến Việt Nam thành một Tân Cương kế tiếp. Với biện pháp này, Trung Quốc sẽ dùng bàn tay của nhà cầm quyền Việt Nam dập tắt mọi phản đối Trung Quốc mà không bị mang tiếng là bắt nạt tiểu quốc. Nếu thâu tóm được Việt Nam, với Campuchia đã ngả hẳn về phía Trung Quốc và Lào vừa bị rớt máy bay gồm các viên chức quan trọng, Lào - Việt Nam - Campuchia sẽ trở thành Tân Indochina dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Trọn bộ vùng biển kéo dài từ giáp Vịnh Thái Lan đến tận giáp ranh đảo Senkaku của Nhật sẽ hoàn toàn nằm trong vùng kiểm soát của Trung Quốc.

b. Trung sách: Nếu dư luận trong nước Việt Nam quá căng thẳng, dân Việt Nam phản đối mạnh mẽ và quyết liệt, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn đi hàng hai và không dứt khoát, Trung Quốc sẽ tạo căng thẳng quân sự, ép nhà cầm quyền Việt Nam tuân thủ và nhượng bộ vì lý do "hoà bình, ổn định và phát triển". Nếu cần, với lý do Việt Nam đã đàn áp dân Hoa kiều và đã vi phạm lãnh thổ, chủ quyền biển đảo của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ đánh dăm ba trận nhỏ để dằn mặt và buộc nhà cầm quyền Việt Nam dứt khoát. Đánh như thế cũng sẽ làm rối loạn tình hình kinh tế và chính trị của Việt Nam để từ đó, nếu nhà cầm quyền Việt Nam buông xuôi, Trung Quốc sẽ chính thức kiểm soát Việt Nam. Chuyện đối diện với công luận quốc tế là chuyện hạ hồi phân giải vì Trung Quốc không phải là nước tiểu nhược để lo ngại.

c. Hạ sách: Nếu Trung Quốc thấy rõ xu hướng chống Trung Quốc rõ rệch và mạnh mẽ ở Việt Nam, nhà cầm quyền Việt Nam đã có thái độ nghiêng hẳn về phía Mỹ và Tây Phương, Trung Quốc sẽ đánh thật bởi vì đây là thời điểm có vẻ thích hợp nhất để Trung Quốc có thể làm việc này, khi mà Hoa Kỳ vẫn còn bận bịu với những vụ việc vừa xảy ra ở Ukraine và Âu Châu, khi kinh tế của Trung Quốc chưa đi đến chỗ suy thoái. Đánh cú này, Trung Quốc sẽ mất đàn em "cộng sản" Việt Nam nhưng lấy được lòng dân Trung Quốc và dùng nó để củng cố uy tín và khả năng lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc bên trong Trung Quốc. Đánh cú này, Trung Quốc cũng sẽ dùng để khẳng định sức mạnh với các nước láng giềng và đây cũng là một điểm lợi cho Trung Quốc vì đập Việt Nam thì dễ mà đập cả Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật, Philippines với Mỹ đứng sau lưng thì khó.

-----------------------------------------

Hãy tổng hợp một số dữ kiện quan trọng và có tính mấu chốt như sau:

1) Đầu tháng Năm năm 2014, Trung Quốc tuyên bố đã cắm giàn khoan dầu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

2) Ngày 11 tháng Năm 2014, dân chúng Việt Nam phản ứng dữ dội. Cuộc biểu tình đầu tiên không bị nhà nước ngăn cản (nhưng dàn dựng những cá nhân được xem là "biểu tình quốc doanh" để biến cuộc biểu tình chống Trung Quốc thành cuộc "tuần hành" ca ngợi và ủng hộ đảng và nhà nước). Hình ảnh và các đoạn phim về cuộc biểu tình tại Sài Gòn ngày 11 tháng Năm tràn ngập trên mạng [1].

3) Ngày 13 tháng Năm và 14 tháng Năm 2014, một số cuộc bạo loạn nổ ra ở Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh dẫn đến tình trạng đốt phá. Biến cố này đã được sử dụng triệt để để đổ tội cho các nhóm dân sự ở Việt Nam. Sau đó một tuần, chính phủ Việt Nam công bố danh sách một số cá nhân bị tạm giam vì tội đốt phá [2]. Báo chí nước ngoài công bố trong 351 hãng xưởng bị đốt, chỉ có hãng xưởng của Trung Quốc [3].

4) Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Trung Hoa Fang Fenghui viếng thăm Hoa Kỳ [5].

4) Trung Quốc dàn quân ra ở biên giới Việt - Trung [4] và đồng thời đưa hàng ngàn Hoa kiều về nước [6]. Song song vào đó, Trung Quốc liên tục đưa ra đe doạ về kinh tế và yêu cầu Việt Nam dập tắt làn sóng biểu tình và bạo loạn [7].

5) Đài Loan xúc tiến kiện và đòi Việt Nam bồi thường [8]. Trong khi đó, giới quan sát viên cho rằng những cuộc bạo động đã tạo ra hư hoại thêm cho nền kinh tế của Việt Nam [9].

6) Nga và Trung Quốc tập trận [10]. Mỹ "muốn" thăm viếng, diễn tập nhiều hơn với Việt Nam [11]

7) Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục nhún nhường và khẳng định "hợp tác hữu nghị" với Trung Quốc [12].

-----------------------------------------

Nhìn xa ra một tí,

1) Năm 2007, đưa Trung Quốc vào Tây Nguyên cho vụ khai thác bô xít bất chấp sự ngăn cản và phản đối của dân chúng và các chuyên gia. Việc làm này biến Tây Nguyên thành điểm nguy hại không những về vấn đề môi trường mà cả về quốc phòng. Xét về mặt quân sự, Trung Quốc có thể cắt đứt Việt Nam thành 2 đoạn ngay tại Tây Nguyên.

2) Năm 2014, đưa Trung Quốc vào Quảng Trị - Hà Tĩnh. Đặc khu này hoàn toàn không có người Việt Nam bén mảng. Xét về mặt quân sự, song song với sự hiện diện ở Tây Nguyên, Trung Quốc có thể dùng Quảng Trị - Hà Tĩnh cắt Việt Nam ra làm 3 khúc.

3) Suốt từ 2001 đến 2014: Vô số các công ty và cá nhân Trung Quốc vào Việt Nam một cách bí ẩn, ví dụ, "hiện tượng" khai thác tôm ở Cam Ranh mà chẳng ai biết [13].

4) Suốt từ 2007 đến nay, sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập khu hành chính Tam Sa, hàng trăm vụ ngư dân Việt Nam bị bắt cóc, bị đánh đập, bị đòi chuộc và sự vụ này vẫn tiếp tục diễn ra. Ngư dân Việt Nam không thể tiếp tục đánh bắt ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

5) Suốt nhiều năm, nông dân Việt Nam bị Trung Quốc lừa đảo và phá hoại bằng nhiều cách (mua móng trâu, mua gỗ, mua rong...) nhằm phá hoại kinh tế và môi trường Việt Nam.

6) Suốt nhiều năm, hàng hoá độc hại của Trung Quốc tràn ngập Việt Nam.

7) Trung Quốc không ngừng giúp đỡ tài chính và nhiều mặt khác cho Campuchia [14].

8) Đột nhiên máy bay Lào chở toàn là những nhân vật quan trọng bị rớt [15].

9) Suốt từ 2011 đến nay, hàng trăm ngàn doanh nghiệp giải thể ở Việt Nam. Nông dân được mùa (lúa, dưa) nhưng không bán được. Nợ công càng lúc càng gia tăng. Bất động sản hoàn toàn tê liệt.




Chú thích:
[1] Một ví dụ: http://www.youtube.com/watch?v=SYcHpKG5duI

[2] http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140519/khan-truong-hoan-tat-ho-so-khoi-to-nhom-con-do-doi-lot-cong-nhan.aspx

[3] http://www.scmp.com/news/asia/article/1515912/few-factories-hit-vietnams-anti-china-riots-were-mainland-chinese-owned

[4] http://www.wantchinatimes.com/news-subclass-cnt.aspx?id=20140518000085&cid=1101

[5] http://news.xinhuanet.com/english/video/2014-05/14/c_133333145.htm

[6] http://www.bloomberg.com/news/2014-05-18/china-evacuating-citizens-as-vietnam-deters-anti-china-protests.html

[7] http://www.theguardian.com/world/2014/may/16/china-vietnam-protests-territorial-dispute

[8] http://focustaiwan.tw/news/aeco/201405190027.aspx

[9] http://globalriskinsights.com/2014/05/19/anti-china-riots-most-damaging-to-vietnams-economy/

[10] http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140519/nga-trung-tap-tran-chung-o-bien-hoa-dong.aspx

[11] http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140515/bien-dong-lam-nong-cuoc-hop-bao-cua-bo-ngoai-giao.aspx

[12] http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/hai-quan-my-muon-tham-vieng-dien-tap-nhieu-hon-voi-vn-3038135/

[13] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/4-nguoi-trung-quoc-nuoi-tom-o-nha-trang-khong-trinh-dien-2233390.html

[14] http://www.eastasiaforum.org/2013/07/16/chinese-investment-and-aid-in-cambodia-a-controversial-affair/

[15] http://vtc.vn/311-488551/quoc-te/may-bay-lao-roi-hoa-tang-thi-the-can-bo-cap-cao.htm






.