Monday, May 12, 2014

Hiệp định hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân Việt – Mỹ


Ngày 6/5, Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức ký hiệp định hợp tác về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123). Ngay trước đó, ngày 1/5, ông Murray Hiebert, nhà nghiên cứu chính trị Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược USCIS Hoa Kỳ có bài viết phân tích những thuận lợi cũng như những thách thức mà Hiệp định này có thể gặp phải. Vũ Hoàng phỏng vấn với ông Murray Hiebert.
Vũ Hoàng: Ông có thể cho biết những điểm chính trong bài viết “Chính quyền và Quốc hội Hoa Kỳ nên nhanh chóng thông qua hiệp định 123 với Việt Nam” được không ạ?
Murray Hiebert: Hồi cuối năm ngoái, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký tắt hiệp định 123 cho phép việc chuyển giao những thiết bị và dịch vụ liên quan đến năng lượng nguyên tử giữa 2 quốc gia. Lập luận của tôi trong bài viết này là Việt Nam hiện tại đang thiếu các nguồn năng lượng và phải tìm kiếm các nguồn thay thế, vì thế việc hoàn tất Hiệp định 123 sẽ là điều tốt, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với cả Hoa Kỳ vì các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể bán được các thiết bị và dịch vụ sang Việt Nam.

Ngoài ra, tôi cũng cho rằng việc hoàn tất Hiệp định 123 là một điều quan trọng vì nó cho thấy rõ sự cam kết của Hoa Kỳ “chuyển trục” sang khu vực Châu Á, đồng thời, đó cũng là một cấu phần quan trọng của đối tác chiến lược mà hai quốc gia khởi động kể từ chuyến thăm của chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ hồi tháng 7 năm ngoái.
Vũ Hoàng: Trong bài viết của mình, ông cũng chỉ ra một vài thách thức mà Hiệp định 123 có thể gặp phải khi Quốc Hội Hoa Kỳ cứu xét, ông có thể nói rõ những điểm này được không?
Murray Hiebert: Những gì sẽ diễn ra tiếp theo là Chính quyền của Tổng thống Obama sẽ trình Hiệp định 123 đến Quốc Hội để xem xét, nếu trong vòng 90 ngày tiếp theo (kể từ ngày 8/5), Hiệp định này không gặp phải sự phản đối nào từ Quốc Hội, thì Hiệp định sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, trong phạm vi 90 ngày tiếp theo, nếu Hiệp định này bị các nghị viên phản đối thì Chính quyền Obama phải có những điều chỉnh, sửa đổi.
Một trong những lĩnh vực có thể sẽ bị phản đối là Hiệp định 123 không bao gồm điều khoản ràng buộc pháp lý cấm Việt Nam không được phát triển các khả năng về làm giàu urani hay tái xử lý các nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Mặc dù, điều khoản này không nằm trong Hiệp định 123, nhưng Việt Nam cũng đã cam kết với Hoa Kỳ sẽ không sử dụng hạt nhân vào mục đích chế tạo vũ khí và bản thân chính phủ Việt Nam cũng ban hành những chiến lược sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, dân dụng mà thôi.
Lĩnh vực thứ hai mà theo tôi Hiệp định 123 cũng sẽ bị phản đối là về vấn đề nhân quyền. Vấn đề nhân quyền tại Việt Nam đã được nhiều dân biểu nêu lên gần đây, cũng như chính Tổng thống Obama đề cập tới trong chuyến thăm của chủ tịch Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ năm rồi, dù cho giữa 2 quốc gia vẫn có những cuộc đối thoại về nhân quyền thường niên.
Lĩnh vực cuối cùng mà tôi cho rằng Hiệp định 123 có thể bị phản đối là một số dân biểu muốn Hiệp định này phải bị hết hiệu lực sau 30 năm. Hiện tại, thì Hiệp định này không quy định thời hát hết hiệu lực mà chỉ nói là Hiệp định sẽ được gia hạn sau mỗi 5 năm mà thôi.
Lĩnh vực thứ hai mà theo tôi Hiệp định 123 cũng sẽ bị phản đối là về vấn đề nhân quyền. Vấn đề nhân quyền tại Việt Nam đã được nhiều dân biểu nêu lên gần đây...
- Murray Hiebert
Vũ Hoàng: Với Hiệp định 123 vừa được ký kết hôm 6/5 vừa qua, theo ông thì những thách thức và thuận lợi nào sẽ có đối với cả 2 quốc gia?
Murray Hiebert: Trước hết về phía Việt Nam, Hiệp định 123 là một phần trong tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương, Hoa Kỳ đối xử công bằng như với các quốc gia khác. Việt Nam hiện tại đã có những hiệp định hạt nhân tương tự với các quốc gia khác như: Nga, Trung Quốc, Pháp, Nhật, Canada, Hàn Quốc, thế nhưng Hiệp định mới này sẽ cho phép Việt Nam được tiếp cận với công nghệ hạt nhân của Hoa Kỳ. Còn đối với Hoa Kỳ, thì điều dễ nhận thấy nhất là các công ty của Hoa Kỳ có cơ hội xuất khẩu các thiết bị và dịch vụ liên quan đến nguyên tử sang Việt Nam, và từ đó rõ ràng sẽ tạo ra thêm công ăn việc làm tại Hoa Kỳ và đây là điều mà cả Quốc hội lẫn Chính quyền Obama đều đang quan tâm. Như vậy, theo tôi lợi thế lớn nhất mà cả 2 quốc gia có được đều là về mặt kinh tế.
Vũ Hoàng: Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu như Hiệp định 123 bị Quốc hội phản đối và bị trì hoãn sau thời hạn 90 ngày cứu xét thưa ông?
Tôi muốn nói rằng nếu như Hiệp định 123 mà hai chính phủ ký kết bị trì hoãn thì rõ ràng đó là điều bất lợi về mặt đối tác chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. 
- Murray Hiebert 
Murray Hiebert: Tôi muốn nói rằng nếu như Hiệp định 123 mà hai chính phủ ký kết bị trì hoãn thì rõ ràng đó là điều bất lợi về mặt đối tác chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Chúng ta có thể thấy rằng mối quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam gần đây đã có nhiều cải thiện và Hiệp định này rõ ràng cũng là chỉ dấu cho thấy chiều hướng đó. Nếu như Hiệp định này không được Quốc Hội thông qua nhanh chóng trong thời hạn 90, và kỳ bầu cử giữa kỳ tháng 11 diễn ra, thì rất có thể Hiệp định 123 này sẽ bị rời lại đến giữa hoặc cuối năm 2015 mới có hiệu lực được.
Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông rất nhiều cho cuộc phỏng vấn này.

.

No comments:

Post a Comment