Ngày 23/03, TAND Khánh Hòa sẽ xử phúc thẩm vụ công an xã đánh chết em Tu Ngọc Thạch, Luật sư Đôn nhận bảo vệ miễn phí cho gia đình nạn nhân.
Theo hồ sơ vụ án từng gây rúng động dư luận người dân Vạn Ninh (Khánh Hòa), vụ việc các công an xã đánh chết em học sinh 14 tuổi Tu Ngọc Thạch sinh năm 1999, học sinh lớp 9, Trường THCS Lương Thế Vinh, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh như sau:
Do mâu thuẫn từ trước, lúc 15g30 ngày 29/12/2013, Lê Tấn Khỏe đuổi đánh em Tu Ngọc Thạch. Khi em Thạch đang đi trên đường liên thôn đối diện trụ sở UBND xã Vạn Long, Khỏe đã dùng chai nước khoáng bằng thủy tinh ném trúng vào đầu, làm đầu em Thạch sưng nề và té xuống đường.
Nghe tin có xô xát, công an viên của xã Vạn Long là Lê Minh Phát cùng với công an viên Lê Ngọc Tâm đến truy bắt em Thạch đưa về trụ sở đánh tiếp. Sau khi được gia đình bảo lãnh về nhà, em Thạch chết khi đang cấp cứu tại bệnh viện do chấn thương sọ não.
Sau khi em Tu Ngọc Thạch chết, từ trưa đến chiều 31/12/2013, hàng ngàn người dân địa phương kéo ra quốc lộ 1 đoạn qua xã Vạn Long, chặn xe để buộc các cơ quan chức năng đưa xác em Thạch đến trụ sở UBND xã Vạn Long để làm rõ nguyên nhân cái chết của em.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Vạn Ninh đã tuyên phạt Lê Minh Phát 6 năm tù về tội cố ý gây thương tích, 9 tháng tù về tội bắt người trái pháp luật, tổng hợp hình phạt là 6 năm 9 tháng tù. Lê Ngọc Tâm (31 tuổi, cựu công an viên xã Vạn Long) bị phạt 9 tháng tù treo về tội bắt người trái pháp luật. Lê Tấn Khỏe (sinh năm 1999) bị 3 năm tù về tội cố ý gây thương tích.
Gia đình em Thạch kháng cáo yêu cầu phải xử Phát và Tâm tội giết người, áp dụng các tình tiết tăng nặng đối với hai bị cáo này, xem xét một số vật chứng mà cấp sơ thẩm đã bỏ qua như chiếc mũ bảo hiểm mà Phát đã dùng để đánh em Thạch do tòa cho là “vật chứng không quan trọng, đã bị rơi mất”.
Sau nhiều lần trì hoãn, ngày 23-3 tới đây, phiên xử phúc thẩm vụ án công an xã đánh chết em học sinh Tu Ngọc Thạch sẽ diễn ra. May mắn cho gia đình em Thạch, Luật sư Võ An Đôn đứng ra bảo vệ miễn phí cho gia đình trước tòa.
Chắc quý bạn đọc còn có người còn chưa biết Luật sư Võ An Đôn, anh chính là người bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều- người bị 5 công an TP Tuy Hòa (Phú Yên) đánh chết vào tháng 05/2012.
Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của Luật sư Đôn và báo chí, 5 công an và sau đó Phó trưởng Công an TP Tuy Hòa cũng bị khởi tố. Sau lần đứng ra bảo vệ cho gia đình nạn nhân Kiều, anh Đôn đã bị công an, toà án và Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Tuy Hoà kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên đã có kết luận chính thức cho rằng kiến nghị của liên ngành tố tụng TP Tuy Hòa đòi thu hồi chứng chỉ hành nghề của Luật sư Võ An Đôn là không có cơ sở, không phù hợp với quy định của pháp luật.
Luật sư Võ An Đôn là một trường hợp vô cùng đặc biệt. Anh mở một văn phòng Luật tại gia, ở huyện miền núi Sông Hinh quê anh, trong một căn nhà cấp 4 tồi tàn, là nhà mượn của cha mẹ.
Nghề chính của anh Đôn là luật sư nhưng lại là thu nhập phụ, còn nghề mang lại thu nhập chính là nghề nông. Hàng ngày khi không có ai đến nhờ bào chữa, anh Đôn đi chăn bò, cuốc đất, trồng rau.
Đã có nhiều lời mời anh Đôn ra thành phố làm việc để cải thiện thu nhập, nhưng anh không nỡ rời bỏ quê nghèo vì còn người cha già bệnh liệt giường và quan trọng hơn là vì anh lo cho những người dân nghèo quê mình.
Anh Đôn nhiều lần tâm sự với báo chí, rằng những người dân nghèo quê anh trên con đường đi tìm công lý chỉ có hai bàn tay trắng, vì vậy anh muốn ở lại, để đồng hành với họ.
Ngày 03/03/2015, ông Tu Ngọc Hoài là cha đẻ của em Tu Ngọc Thạch đã đến nhà nhờ Luật sư Đôn bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình ông tại Tòa án cấp phúc thẩm. Anh đã nhận lời bào chữa miễn phí cho gia đình.
Trên trang mạng xã hội của mình, anh Đôn viết: “Tôi hứa là sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình ông Tu Ngọc Hoài đến cùng và thẳng tay trừng trị những kẻ bạo quyền đánh chết người”.
May cho gia đình em Tu Ngọc Thạch, vì họ đã tìm đến đúng người để nhờ cậy. Bố mẹ em vì không am hiểu kiến thức pháp luật nên khi tòa hỏi, họ đã trả lời: “Chúng tôi tin tưởng vào sự xét xử công minh của tòa”.
Thế nhưng khi tòa tuyên án, họ mới nhận ra có quá nhiều điều bất hợp lý. Các công an xã đã vô cớ bắt em Thạch- một học sinh 14 tuổi về đồn, đánh đập, tra tấn đến nỗi em chết vì chấn thương sọ não. Vậy mà chỉ bị xét xử vì tội “cố ý gây thương tích”, có người còn hưởng án treo.
Biết bao nhiêu vụ án công an xã đánh chết người và những bản tuyên án “nhẹ tay” khiến gia đình nạn nhân, dư luận bức xúc như vậy. Chúng ta cần rất nhiều những người như Luật sư Đôn. Công lý cần những luật sư như anh Đôn.
Một luật sư gia cảnh khốn khó, bị o ép đủ bề khi dám đứng về phía người nghèo đòi lẽ phải cho họ mà không nhận một đồng tiền công nào ngoài chén nước lọc như anh Đôn, rất đáng để xã hội tôn vinh và học tập.
Chính những con người cao cả như Luật s Võ An Đôn, đã đem đến cho chúng ta niềm tin, rằng trên đời này, vẫn còn Công lý. Nhất là Công lý cho người nghèo.
Cầu chúc cho Luật sư Võ An Đôn sẽ thành công trong phiên tòa xử ngày 23-3 tới đây, để đòi lại công bằng cho em Tu Ngọc Thạch.
Lẽ phải chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chịu quỳ gối trước cường quyền!
.
No comments:
Post a Comment