Thursday, May 8, 2014

Hành trình tìm con Việt của người cha Mỹ

Người đàn ông Mỹ với dáng cao gầy, đội mũ rơm, vừa lần theo con ngõ nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh vừa cầm chặt trên tay cuốn album ảnh. Ông trở lại Việt Nam với hy vọng có thể tìm lại con trai thất lạc suốt 40 năm qua.


Jerry Quinn đoàn tụ với người con trai sau 40 năm thất lạc. Ảnh: BBC.
Hàng nghìn đứa trẻ có bố là lính Mỹ được sinh ra tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Giờ đây, khi ở tuổi 60 - 70, những cựu binh Mỹ đang tìm kiếm với mong muốn có thể gặp lại các con trai, con gái mà họ chưa bao giờ biết mặt. Jerry Quinn là một trong số những người đó.
Ông trở lại Việt Nam, lần theo từng con phố, ngõ nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh ông là Hung Phan, phiên dịch viên và là người từng giúp hàng chục cựu binh Mỹ tìm lại những đứa con thất lạc của họ trong suốt 20 năm qua.

Ông Jerry Quinn (trái) cùng Hung Phan tìm kiếm trong
 một con ngõ nhỏ. Ảnh: 
BBC.
"Tôi nhớ chúng tôi sống ở nhà số 40", Quinn nói, vừa nhìn xung quanh đoạn phố tìm kiếm ngôi nhà ông từng chung sống với một cô gái người Việt Nam. Tuy nhiên, không có nhà nào mang số 40 cả.
Jerry Quinn là một trong hai triệu binh lính do chính phủ Mỹ gửi đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trong thời kỳ đó, ước tính có khoảng 100.000 đứa trẻ được sinh ra bởi mối quan hệ giữa phụ nữ địa phương với các binh sĩ Mỹ. Giờ đây, khi về già, một số cựu binh lại cảm thấy tội lỗi hoặc tò mò muốn biết chuyện gì đã xảy ra với đứa con của họ.
Những người bố vô trách nhiệm
"Tuy nhiên, một số người bố lại không muốn biết chuyện này", Brian Hjort nói. Ông Hjort cùng với Hung Phan là người điều hành Fathers Founded, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với mục đích giúp các ông bố Mỹ tìm lại đứa con "Mỹ Á" của họ.
Hjort, người Đan Mạch, từng tới Việt Nam du lịch vào những năm 1980 và gặp nhiều đứa trẻ "Mỹ Á" trong tình cảnh đáng thương. "Chúng lang thang trên đường phố, xin thức ăn và tìm sự giúp đỡ", ông kể lại.
Một số đứa trẻ còn lưu giữ ảnh và nhớ được cả tên bố chúng. Nhờ việc chính phủ Mỹ lưu trữ hồ sơ chi tiết về các binh lính và cựu chiến binh, Hjort nhanh chóng xác định được bố cho khoảng vài chục đứa trẻ. Tuy nhiên, đôi khi Hjort khiếp sợ bởi câu trả lời mà ông nhận được.
"Họ quát lớn 'Tại sao ông lại gọi cho tôi? Ông muốn gì? Tại sao ông nhắc đến Việt Nam? Tôi không muốn dính dáng gì đến họ. Chúng không phải con tôi. Đừng gọi cho tôi nữa!'", ông kể lại.
Tuy nhiên, Jerry Quinn, một nhà truyền giáo đang sinh sống và làm việc tại Đài Loan, lại khao khát tìm được con trai. Quinn kể lại rằng khi được giáo đoàn điều động đến Viễn Đông, ông nghĩ ngay rằng đó là cách Chúa muốn ông sửa chữa lỗi lầm trong quá khứ. "Tôi tin rằng mình tới đây để sửa chữa lỗi lầm", cựu binh nói, "cố gắng và hoàn thành trách nhiệm của một người bố".

Hành trình tìm người con thất lạc
Năm 1973, Brandy, người bạn gái Việt Nam của Quinn, mang thai và họ tìm cách làm các thủ tục cần thiết để kết hôn. Tuy nhiên, khi đó các binh lính Mỹ bắt đầu nhận được lệnh rút khỏi Việt Nam và Jerry Quinn phải lên máy bay về nước.
Jerry Quinn chụp ảnh cùng bạn gái Brandy. Ảnh: BBC
"Tôi cố gắng để giữ liên lạc", Quinn nói. "Tôi gửi cho cô ấy 100 USD mỗi tháng trong suốt một năm. Tôi cũng không biết liệu chúng có đến tay cô ấy không". Brandy gửi cho ông ba bức hình mà 40 năm sau, ông chìa ra cho bất kỳ người nào ông gặp. Đó là bức chân dung Brandy, một cô gái Việt Nam khoảng hơn 20 tuổi với dáng người cao và xinh đẹp, một bức hình Brandy với cậu con trai và một bức hình Brandy đứng cạnh một phụ nữ mặc áo khoác trắng.
Bước sang ngày thứ ba ở TPHCM, Quinn bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng. Quinn cùng Hung Phan tìm gặp chủ quán mỳ, gần căn nhà ông và Brandy từng chung sống, để hỏi thăm. Bà chủ quán ngồi xuống chiếc ghế đẩu, lật từng trang trong cuốn album ảnh và dừng lại khi nhìn thấy bức hình Brandy chụp cùng người đàn bà mặc áo khoác trắng.
"Bà ấy là một bà đỡ từng sống ở khu vực này", người chủ quán mỳ nói. "Bà ấy hiện sống ở Mỹ nhưng thỉnh thoảng vẫn về Việt Nam. Thực ra, con gái bà ấy hôm qua vừa tới đây ăn mỳ". Bà chủ quán sau đó đồng ý giúp cựu binh Mỹ liên lạc với người phụ nữ mặc áo trắng.

Bà Kim kể lại những ký ức về Brandy cho người cựu binh Mỹ.
 Ảnh:
 BBC
Con gái bà đỡn, bà Kim, tới quán mỳ vào ngày hôm sau. Đó là một phụ nữ trung niên, với dáng người thanh lịch, đang ở cùng người chồng Mỹ trong một khách sạn tại thành phố Hồ Chí Minh. Bà cầm lấy cuốn album, sau đó chỉ tay vào bức hình của Brandy và phấn khích nói: "Tôi nhớ cô gái này! Chúng tôi là bạn tốt của nhau và tôi từng giúp cô ấy sinh con".
Kim nhận ra được họ Việt của Brandy phía sau một bức ảnh là Bui. Tuy nhiên, bà không thể giúp Quinn tìm ra tên con trai ông bởi những tài liệu liên quan đều đã bị tiêu hủy.
Rơm rớm nước mắt, Quinn đề nghị được cầm đôi tay bà Kim "bởi chính đôi tay này đã từng bế con tôi và có thể tôi không bao giờ gặp lại con trai nữa". Câu chuyện tưởng chừng như sắp kết thúc trong một quán mỳ nhỏ ở Việt Nam, với những thực khách đang ngạc nhiên trước hình ảnh một người Mỹ lớn tuổi vừa khóc vừa cầm tay người đàn bà.
Cuộc đoàn tụ nhờ mạng xã hội
Jerry Quinn sau đó đăng tải các bức hình về Brandy và đứa bé lên Facebook cá nhân với mô tả là ông đang tìm người con trai khoảng 40 tuổi, họ Bui. Cách đó hơn 13.000 km, ở thành phố Albuquerque, bang New Mexico, Mỹ, Gary Bui, một người đàn ông 40 tuổi, đã nhận ra những bức hình trên.
Ông Quinn sau đó lên chuyến bay tới Albuquerque. Ngồi trên taxi tới nhà Gary, ông khá lo lắng và có chút nghi ngờ vào phút chót. "Liệu thằng bé có chấp nhận mình không?", ông tự hỏi. "Thằng bé đã đợi một người bố suốt 40 năm. Liệu nó có để cho tôi ôm không? Gary nói với tôi qua điện thoại rằng nó đã học cách kìm nén cảm xúc".
Chiếc taxi dừng lại ở ngôi nhà, nơi toàn bộ gia đình đứng sẵn đợi Quinn bên ngoài. "Chỉ cần thêm vài nét giống nữa thôi thì con chính là bố rồi!", Quinn nói khi ông suýt ngã trong lúc ra khỏi taxi ôm con trai. Họ ôm chặt lấy nhau, vỗ vai và khóc. Phía sau họ là hai đứa cháu nội mới của Quinn đang đứng nhìn.


Gary kể lại câu chuyện của mình một cách chậm rãi. Giống như những người mẹ có con với lính Mỹ, Brandy bỏ chạy vì sợ hãi và trao Gary cho bạn bè để họ đưa cậu bé ra khỏi Sài Gòn.
"Con cùng mọi người sống trong rừng, ở trong những túp lều bằng đất sét", Gary kể lại. "Thức ăn luôn thiếu thốn". Gary bị những đứa trẻ khác kỳ thị, bọn chúng gọi người sinh ra anh là "gái điếm". Gary được đưa đến trại trẻ mồ côi năm 4 tuổi. 4 năm sau đó, ông bay tới New York theo chương trình đưa con lai tới Mỹ của chính phủ nước này. Được một gia đình nhận làm con nuôi, Gary vẫn lưu giữ những bức ảnh giống như của Brandy gửi cho Quinn.
Người cựu binh như đổ sụp bởi cảm giác tội lỗi. "Bố không biết con từng là trẻ mồ côi", ông nói. "Bố luôn nghĩ rằng chắc con đang ở với mẹ. Có quá nhiều điều bố muốn biết về con".
Vợ cùng các con của Gary chứng kiến cảnh đoàn tụ này một cách thận trọng. Họ không biết nói gì với người bố chồng, người ông nội xuất hiện bất ngờ này.
"Bố biết là điều này có phần muộn màng nhưng bố muốn ở đây vì con", ông Quinn nói. "Bố muốn được có mặt trong cuộc sống của con".

Như Tâm (theo BBC)


No comments:

Post a Comment