- Home
- Bạo lực công an - Brutality Police
- Biến Cố 30-4
- Ngôn Ngữ thời nay
- Cuộc Đời Hồ Chí Minh
- Công dân giáo dục
- Cười
- Đạo đức xã hội
- Giải Phóng - "Bớ người ta phỏng......"
- Gương sáng
- Hình ảnh
- Houston News
- Sách trước 1975
- Sự đê hèn
- Sử Việt
- Thời sự
- Thiên hạ sự
- Tìm Thân Nhân
- Karma - Quả Báo
- World News
- Memories of
- Video
Saturday, May 31, 2014
Bộ Mặt Thật Của Hồ Chí Minh
Nguyễn Thuyên
Năm 1990, tuần báo Chuông Sài Gòn ở Úc cho xuất bản cuốn Bộ Mặt Thật Của Hồ Chí Minh. Tác giả Nguyễn Thuyên cũng là chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo này với bút hiệu Nguyễn Thành Nhân, nguyên là giáo sư toán từng là giám đốc và hiệu trưởng 2 trường trung học Hưng Đạo và Thiên Bình tại Huế trước 1975. Tác giả minh định viết cuốn sách này chỉ vì quê hương dân tộc, góp phần làm sáng tỏ lịch sử và cho biết đã tham khảo tài liệu từ nhiều tác phẩm trong đó đại đa số là của các tác giả người Việt như sử gia Trần Trọng Kim, Phạm Văn Sơn, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Khắc Ngữ, Chính Đạo Vũ Ngự Chiêu ... cùng một số nhà văn, nhà báo khác.
Phân tích tài liệu từ các tác phẩm tham khảo, tác giả ghi nhận Hồ Chí Minh không hề yêu nước thương dân mà chỉ là kẻ giả dối, do tham vọng cá nhân đã chạy theo một chủ nghĩa ngoại lai để đem tai họa về cho dân tộc.
Về các chi tiết liên quan tới con người và cuộc đời Hồ Chí Minh, tác giả nêu lên nhiều khúc mắc trước hết là những khúc mắc về một vấn đề bình thường nhất là năm sinh. Tác giả nêu ra 5 tài liệu ghi chép khác nhau về năm sinh của Hồ Chí Minh :
1 - 1890, theo tài liệu chính thức của Cộng Sản Việt Nam.
2 - 1891, theo Yến Sơn, cán bộ Cộng Sản Việt Nam trong cuốn Nguyễn Ái Quốc, một gương sáng cách mạng.
3 - 1892, theo Hồ Chí Minh ghi trong đơn xin nhập học trường thuộc địa Pháp
4 - 1894, theo phúc trình của Sở Kiểm Soát và Trợ Giúp Dân Thuộc Địa.
5 - 1895, theo thông hành đi Nga năm 1923 với bí danh Tran Cheng (1).
Nói về Cải Cách Ruộng Đất, tác giả nêu ra trường hợp bộ trưởng Đặng Văn Hướng trong chính phủ Hồ Chí Minh nghỉ phép về quê bị đấu tố cùng với anh ruột là phú nông mà từ Hồ Chí Minh đến các bộ trưởng khác và chủ tịch tỉnh ... không ai đoái hoài để đến nỗi hai anh em đều tự tử. "Ông Hướng có con là đại tá VC từng nổi tiếng là anh hùng Lộ (quân) số 4 ” (2).
Về chuyện Hồ Chí Minh dùng bút hiệu Trần Dân Tiên tự phong mình là cha già dân tộc, tác giả nêu rõ hai cuốn sách xác nhận Trần Dân Tiên chính là Hồ Chí Minh mà vào lúc đó ít được mọi người nhắc tới : cuốn Những sự kiện lịch sử Đảng CSVN do nhà xuất bản Sự Thật ấn hành năm 1976 và cuốn Tác Phẩm Văn Học của Hồ Chủ Tịch của Hà Minh Đức ấn hành năm 1985.
Tác giả tóm lược ý những lời tự phong của Hồ Chí Minh được ghi trong cuốn sách ký tên Trần Dân Tiên : "Người là một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc với đầy đủ những đức tính cao đẹp và những khả năng tuyệt vời về mọi lãnh vực chính trị, văn hóa, kinh tế, quân sự, một con người thao lược, lại phúc hậu, nhân đạo, xứng đáng là biểu tượng và là đấng cha già của dân tộc”. Nhắc lại lời của Hồ Chí Minh phê bình chính sách thuộc địa đầu thập niên 1920, tác giả cho rằng những lời ấy cất lên từ bất cứ một người dân nào ngày nay (1990) cũng hoàn toàn phù hợp, vì chế độ mà Hồ Chí Minh tạo nên còn tệ hại hơn chế độ thực dân trước đây bội phần.
Tác giả cũng nhắc lại 8 điểm mà Hồ Chí Minh trình lên hội nghị Versailles ngày 18/01/1919, để đòi dân chủ tự do cho nhân dân Việt Nam, rồi đối chiếu với thực tại của xã hội Việt Nam ngay dưới thời Hồ Chí Minh và cho đến bây giờ. Sau khi phân tích và đối chiếu từng điểm với thực tế, tác giả viết :
- "Nói chung tất cả 8 điểm trong bản yêu sách, Hồ Chí Minh và tập đoàn Cộng Sản cướp quyền không thi hành lấy một điểm nhỏ nào, không ban bố một chút quyền tự do dân chủ sơ đẳng nào cho chính đồng bào ruột thịt của mình. Như thế bản chất lật lọng, giả nhân giả nghĩa của con người gian hùng ấy đã tự phơi bày rõ mồn một dưới ánh sáng mặt trời” (3).
Qua ghi nhận của Nguyễn Thuyên, người đọc biết thêm nhiều trường hợp cụ thể về thủ đoạn của Cộng Sản hãm hại những người Việt Nam yêu nước không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản. Theo tác giả, khi chiếm đảo Madagascar, quân đội Anh phóng thích tất cả đảng viên cộng sản bị Pháp cấm cố ở đây và thả dù họ xuống vùng căn cứ Việt Minh nhưng không trả tự do cho các chiến sĩ quốc gia vì chính Hồ Chí Minh đã ton hót với người Anh để giữ những người này lại do họ không phải đảng viên Cộng Sản (4).
Vụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt, tác giả viết : "Một mặt Hồ Chí Minh chủ mưu bắt cụ Phan Bội Châu nạp cho Pháp để lấy tiền thưởng vừa lập công với thực dân. Từ đó các tổ chức quốc gia bắt đầu nghi ngờ và cắt đứt liên hệ với phe cộng sản”. (5) Chi tiết về vụ này, tác giả cho biết : "Hồ Chí Minh lập mưu bắt cụ Phan Bội Châu bán cho người Pháp lấy mười vạn đồng (100 ngàn đồng).
Lúc bấy giờ cụ Phan tin và nghĩ rằng Cộng Sản cũng yêu nước như phe quốc gia nên liên hệ với họ và bị Lâm Đức Thụ dụ mời đến một địa điểm ở Thượng Hải mà cụ không biết là thuộc tô giới của Pháp. Cụ bị cảnh sát Pháp bắt đưa về Việt Nam xử tử, sau đem an trí tại Huế và chết năm 1940. Một số nhà cách mạng Trung Hoa Dân Quốc nghe tin cụ Châu lâm nạn, tìm dọ hỏi một đồ đệ ruột của Hồ Chí Minh. Tên này đã thuật lại và giải thích : Cụ Phan đã già lẫn, không ích lợi gì cho cách mạng ; việc cụ bị bắt và xử án lại gây được phong trào tại quốc nội có tinh thần phản đối chống người Pháp. Các tổ chức cách mạng tại quốc ngoại có thêm được sự tín nhiệm của người Pháp, lại có được phương tiện (10 vạn đồng) …” (5).
Tác giả dành 2 trang 136 - 137 nêu các chi tiết về việc Hồ Chí Minh thông qua Lâm Đức Thụ đã bán các cán bộ quốc gia theo học trường Hoàng Phố ra sao. Sau cùng Lâm Đức Thụ bị đàn em của Hồ Chí Minh bắt bỏ rọ thả xuống sông nhân có cuộc hành quân của Pháp gần Kiến Xương, Thái Bình là quê của Thụ.
Trong tác phẩm viết về Hồ Chí Minh sau này, Duiker đã trưng dẫn thư của Hà Huy Tập gửi Đệ Tam Quốc Tế tố cáo Hồ Chí Minh dính vào việc hơn 100 cán bộ cách mạng từ trường Võ Bị Hoàng Phố về nước bị Pháp bắt, có thể coi là củng cố thêm mức chính xác của những điều do Nguyễn Thuyên nêu ra. Nguyễn Thuyên cũng ghi lại nghi vấn về việc Lê Hồng Phong bị Pháp bắt giam rồi chết trong tù giống như Trần Phú và Hà Huy Tập (cả ba đã thay nhau giữ chức tổng bí thư đảng) đều là nạn nhân sự phản bội của Hồ Chí Minh vì cả ba người đều có ác cảm và từng chỉ trích, tố cáo Hồ Chí Minh với Đệ Tam Quốc Tế.
Tuy nhiên, không rõ căn cứ vào tài liệu nào mà Nguyễn Thuyên quả quyết như sau về Lê Hồng Phong : "Thời kỳ này, Hồ Chí Minh được sự tín nhiệm của quan thầy Stalin, nhưng vẫn còn phải tùng quyền tên Cộng Sản gốc là Lê Hồng Phong, người đã sống tại Nga từ khi lọt lòng. Vai trò thực sự lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn là của Lê Hồng Phong. Hồ Chí Minh chỉ là phụ tá. Hồ tìm mọi cách dùng đủ thủ đoạn tiếm chức, đoạt lấy ngôi vị lãnh đạo. Hồ đã bí mật thông đồng với Pháp bắt Lê Hồng Phong đưa đi tù biệt tích. Từ đó Hồ được Nga chỉ định thay Phong …” (6).
Từ 1976 tới nay, luật sư Nguyễn Văn Chức, cựu nghị sĩ đệ nhị Cộng Hòa Việt Nam, rồi tiếp theo là nhiều nhà báo và chính khách Việt Nam tại hải ngoại đã nhiều lần nêu vấn đề trên 30 nước Á Phi dành được độc lập sau đệ nhị thế chiến một cách tương đối dễ dàng, ít tốn hao sinh mạng người dân, trong khi Việt Nam chỉ vì có mặt Hồ Chí Minh và đảng cộng sản nên đã phải chiến đấu lâu dài với cả chục triệu người chết và bị thương ở cả hai phía, binh sĩ cũng như thường dân. Nhưng có lẽ Nguyễn Thuyên là người đầu tiên nêu đích danh nước Nam Dương để chứng minh điều đó.
Tác giả còn nêu rõ là vì Hồ Chí Minh đã phạm lỗi lầm (do cố ý) ký kết Hiệp Ước Sơ Bộ 06/03/1946 đặt Việt Nam trong khối Liên Hiệp Pháp nên vấn đề Việt Nam lúc ấy trở thành thuộc nội bộ của Pháp. Vì vậy, các nước ngoài kể cả Liên Hiệp Quốc không thể can thiệp để giúp Việt Nam dành độc lập, như trường hợp Nam Dương đã được Liên Hiệp Quốc buộc Hòa Lan phải trao trả độc lập (7) .
Sau khi xác định trách nhiệm của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản qua các vụ bán đứng và tàn sát người quốc gia, sau khi chiếm được nửa nước làm cải cách ruộng đất giết hại hàng trăm ngàn người trong đó gồm cả những đảng viên bị nghi không trung thành, đẩy toàn dân vào cuộc chiến tranh không cần thiết, giết hại và chôn trong mồ tập thể 3000 người vô tội tại Huế 1968 ... tác giả tóm tắt chân tướng Hồ Chí Minh như sau : "Tâm địa gian hùng, xảo quyệt, độc ác, tàn bạo, phản trắc, vong ân. Nói và làm không đi đôi lại còn trái ngược. Nói chuyện đạo đức, làm chuyện vô đạo. Nói đấu tranh giành chủ quyền cho đất nước, thì lại biến đất nước thành chư hầu của thực dân Đỏ còn tàn ác vạn bội thực dân Pháp. Nói độc lập thì lại đem cả nưóc làm nô lệ cho Quốc Tế Cộng Sản. Nói tự do thì lại trói cột mọi mặt sinh hoạt của người dân từ kinh tế, tư tưởng cho đến tín ngưỡng, văn hóa. Nói hạnh phúc thì đầy đọa, ăn đói, mặc rách. Nói khoan hồng, hòa hợp hòa giải thì lại bỏ tù tẩy não cho đến tàn hơi kiệt lực…Tất cả cái gì của Hồ Chí Minh cũng đều là giả, kể cả cái xác bằng sáp ở Quảng Trường Ba Đình …” (8).
Tóm lại, đối với tác giả, Hồ Chí Minh là kẻ đã phạm những tội ác tày trời đối với dân tộc và đất nước. Nguyễn Thuyên viết : "Lịch sử Việt Nam cũng có những người phản quốc, bán nước cho ngoại bang, nhưng xét kỹ hành động thì không có ai nặng tội với quê hương dân tộc bằng Hồ Chí Minh. Đất nước Việt Nam quả là bất hạnh vì đã sản sinh ra Hồ Chí Minh ” (9).
Chú Thích Chương 15
(01) - (02) - (03) - (04) - (05) SĐD tr. 103, 176, 326, 151, 130
(06) SĐD tr. 203. Cho tới nay không có tài liệu nào nói Lê Hồng Phong sinh ở Nga. Tài liệu chính thức của Cộng Sản Việt Nam ghi Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902, người Nghệ An. Một số tài liệu khác cho biết Lê Hồng Phong gặp Hồ Chí Minh khi Hồ Chí Minh bắt đầu liên lạc với tổ chức Tâm Tâm Xã gồm nhiều thanh niên lưu vong trong số có Lâm Đức Thụ, Hồ Tùng Mậu và trở thành đảng viên Cộng Sản trong Chi Bộ Cộng Sản đầu tiên do Hồ Chí Minh thành lập tại Quảng Châu đầu năm 1925.
(07) - (08) - (09) SĐD tr. 287, 429, 272
Nguyễn Thuyên, Ch 15, "Nhận Định Tổng Hợp Của Minh Võ"
.