Monday, April 28, 2014

Quân Lực VNCH - Tri ân và tưởng niệm


Lời nói đầu: Một trong hai tác giả của ba bài viết/dịch, anh Đặng Vũ Tùng, đã cậy tôi  đăng để chia xẻ rộng rãi trong cộng đồng mạng lưới Facebook, Google, etc... 
Vì ba bài viết này cũng có đăng bên trang của Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) Việt Nam. chia làm ba bài (link)  khác nhau:  Bài 1 - Bài 2 - Bài 3,  nay tôi gom hết cả ba bài viết này đăng thành chung một trang, để đọc giả tiện việc theo dõi mà không cần phải chuyển link sang trang khác

Nội dung của các bài viết nói về người lính đã từng phục vụ đất nước và đồng bào Vietnam trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa và các binh lính, cũng nhhư sỹ quan đồng minh Hoa Kỳ.
_________________


"Bài viêt tri ân các chiến sĩ QLVNCH, Anh viết bài này trước tiên là xin lỗi các anh vì sự im lặng quá lâu của mình trước s hy sinh lớn lao của các anh chiến sĩ. Sau đó cũng như lời tri ân muộn đến các anh chiến sĩ QLVNCH. Cuối cùng là để rửa vết nhơ mà bọn cs cũng như tụi phản chiến đã bôi bẩn lên danh dự của các anh.

Mình chẳng làm được điều gì lớn lao cả, chỉ có thể làm đến đó, nhưng ít ra mình cũng đã làm được một việc, dù rất nhỏ. Nhỏ như giọt nước trong biển cả. Nhưng thà là giọt nước vẫn còn hơn là ăn cháo đá bát Tj nhỉ". (Đặng Vũ Tùng)

____________________

Vô đề: Bài một

VNCH: Một quân đội bù nhìn?

Sài Gòn - Trong Lịch sử chiến tranh Việt Nam, người lính miền Nam Việt Nam giữ một vị trí ít ai mong muốn. Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa (QĐVNCH) (tức là lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam) thường bị xem như là một quân đội bù nhìn, chỉ giữ vai trò thứ yếu trong cuộc chiến, một cuộc chiến vốn chỉ được xem như là sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Cộng Sản Bắc Việt. 
Thế nhưng chỉ cần phân tích sơ lược con số thống kê về chiến tranh Việt Nam cũng sẽ cho thấy sự sai lệch của lập luận kể trên. Với trên 200.000 thương vong, tổn thất quân sự của miền Nam Việt Nam cao hơn nhiều so với con số thương vong của binh lính Hoa kỳ, như sử gia Andrew Wiest nhận định “This is simply not the story of a nation that didn’t bother to fight. [the south Vietnamese] fought and seemingly fought hard” (đơn giản đây không phải là lịch sử của một quốc gia không chiến đấu. Họ [miền Nam Việt Nam] đã chiến đấu và chiến đấu rất kiên cường).
Nếu như những thống kê về chiến tranh Việt Nam cho thấy lập luận nói trên là sai lệch, thì tại sao gần 50 năm qua, kề từ khi chiến tranh bắt đầu, nhiều người vẫn tiếp tục xem QĐVNCH như là một quân đội bù nhìn ?
Ký sự về trận chiến điển hình của chiến tranh Việt Nam, trận đánh mang tên “Hamburger Hill” (đồi thịt băm), đem đến cho chúng ta một vài dữ liệu hầu trả lời cho câu hỏi kể trên.

Chúng ta đang ở vào thời điểm năm 1969, trong giai đoạn cao điểm của chiến tranh Việt Nam. Trên thung lũng A Shau, sư đoàn 101 không kỵ tinh nhuệ của Hoa-kỳ tấn công ngọn đồi 937 được xem như là một vị trí phòng thủ kiên cố của quân đội Bắc Việt. Trận đánh giành lại ngọn đồi 937 xảy ra rất khốc liệt nên được mệnh danh là “đồi thịt bằm”, một tên gọi đã đi vào lịch sử.
Nhanh chóng, tầm ảnh hưởng của trận đánh này vượt ra khỏi khuôn khổ quân sự: toàn bộ nước Mỹ đều ngỡ ngàng chứng kiến qua nhiều kênh truyền thông những hình ảnh tàn sát thảm khốc của cuộc chiến mà thanh niên Mỹ đang phải đối đầu. Trận đánh chiếm lại “đồi thịt bằm” bỗng trở thành vấn đề danh dự cho quân đội Hoa kỳ.


Lính Mỹ sau khi bị chôn chân 10 ngày ròng rã trong một trận đánh khốc liệt giành từng tấc đất cho đến khi viện binh quân đội VNCH vào vòng tham chiến. Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 3 bộ binh đã thực hiện cuộc nhảy toán táo bạo do thiếu uý Định chỉ huy nhằm đánh chiếm đỉnh đồi chiến lược trong hệ thống phòng thủ của Cộng quân. Các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã chiếm được đỉnh “Đồi thịt băm” trước cả binh lính Mỹ.
Và thật bất ngờ, ban chỉ huy Hoa kỳ cho ra một mệnh lệnh khó hiểu: thiếu uý Định và lực lượng của ông phải lập tức rời cứ điểm Đồi thịt băm bằng không sẽ bị pháo kích; “they said if you don’t leave, were going to shell you; this is an american battle to win, this is not your battle to win” như sử gia Andrex Wiest giải thích. (nếu các anh không rời cứ điểm, chúng tôi sẽ pháo kích, đây là một trận đánh mà lính Mỹ phải thắng, không phải là trận đánh với chiến thắng của các anh)
Ngỡ ngàng và cay đắng quân nhân VNCH phải chấp hành lệnh rút lui và sau đó ít lâu tiểu đòan 3, trung đoàn 187 bộ binh Hoa Kỳ tới chiếm đỉnh đồi. Và từ đấy được ghi nhận như là những người chiến thắng thực thụ trận chiến chiếm lại ngọn đồi Hambuger Hill. Danh dự của Hoa kỳ đã không bị tổn thương. Trong khi đó chiến công của QLVNCH thì bị rơi vào quên lãng: theo trung tá Honeycutt chỉ huy tiểu đoàn 3/187 và theo nhiều binh lính Mỹ khác: “Không một dặm nào trên ngọn đồi chết tiệt đó mà không có mặt của QLVNCH


Sự bất công trắng trợn mà lực lượng của thiếu uý Định phải gánh chịu trong trận đánh tại Hambuger Hill tiêu biểu cho sự cố tình lãng quên về vai trò của binh lính miền Nam Việt Nam trong các hồi ký chiến tranh Việt Nam của phương Tây. QLVNCH đã bị gắn chặt vào cái hình ảnh là một quân đôị mà binh lính chỉ biết đào ngũ, và phiên bản lịch sử này góp phần tạo dựng nên huyền thoại một quân đội Nam Việt Nam bù nhìn.
Trên thực tế, QĐVNCH đã nhiều lần giải vây, cứu thoát quân đội Hoa Kỳ như trận đánh ở Khe Sanh. Điển hình là sự tham chiến của 3 tiểu đoàn nhảy dù VNCH dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Nguyễn Khoa Nam đã chặn đứng một cánh quân chi viện cấp sư đoàn của cộng sản bắc Việt ở phía bắc mặt trận Khe Sanh.
….Tạo dựng huyền thoại QĐVNCH, một quân đội bù nhìn và thiếu năng lực.
Người dân miền Nam Việt Nam chưa hề được tự chủ về hình ảnh của mình trong lịch sử. Luôn bị xem là thụ động trong một cuộc chiến, thường bị tóm lược sai lầm là một cuộc chiến giữa Hoa kỳ và Bắc Việt, những người lính QĐVNCH thường không có cơ hội nói về cuộc chiến dưới góc độ nhận định của mình, nếu không phải là sự im lặng như trường hợp của trận đánh Hambuger Hill.
Cho nên hình ảnh của họ chỉ được phác họa bởi những người trong chiến cuộc được giới truyền thông biết đến nhiều nhất – Quân Đội Hoa Kỳ và quân đội Bắc Việt – và thông thường sự miêu tả về họ luôn là những hình ảnh bị xuyên tạc và bôi nhọ.


Biếm họa của báo chí Hoa kỳ về chiến dịch Hạ Lào của QĐVNCH. Chúng ta có thể thấy được tính chất kỳ thị của bức biếm họa: binh lính VNCH được tô màu là da đen.
Đối với quân đội Hoa kỳ, quân nhân VNCH bị xem như là thiếu năng lực, luôn có nguy cơ đào ngũ. Thế nhưng chúng ta có thể hiểu được sự thật qua trận đánh Hambuger Hill, khi những chiến thắng của người lính VNCH bị chính đồng minh của mình chối bỏ. Họ còn bị cảnh cáo là sẽ bị “dội bom, tiêu diệt” nếu chiến thắng đó làm tổn hại đến uy danh của Quân Đội Hoa Kỳ – Câu chuyện đáng buồn, không quá ngạc nhiên chỉ rõ rằng: Nếu Hoa kỳ chỉ có thể đánh giá QĐVNCH dưới góc độ yếu kém và bại trận (dù có là thật chăng nữa), thì điều ấy cũng không đủ yếu tố để được xem như là một nhận định khách quan.
Có thể hiểu ra sao về thái độ gần như là chối bỏ lịch sử này ? Đó chính là sự kiêu căng về quân sự cộng với tinh thần ái quốc cực đoan đã khỏa lấp một số sai lầm của Hoa kỳ về việc tham chiến của thanh niên Mỹ trong cuộc chiến này.
Quân đội Hoa Kỳ đã tổn thất quá lớn về nhân mạng cho cuộc chiến bảo vệ Nam Việt Nam nên công chúng Mỹ khó có thể chia sẻ sự hào hùng của cha anh họ, nhất là chia sẻ điều ấy với một đồng minh bị đánh giá thấp như  QĐVNCH. “Such was the fragile nature of the American ego and National will“. Sử gia Andrew Wiest giải thích.
Còn Bắc Việt thì lại gán ghép cho quân đội miền Nam những từ ngữ như: Việt gian, phản quốc, phản động, lính đánh thuê, Mỹ- Ngụy….Nghệ thuật phỉ báng các nhà ái quốc Việt Nam chính là một phương tiện chiến tranh tâm lý hiện hữu từ thời chiến tranh Đông Dương mà sử gia Christopher Gos cho là một cuộc “bút chiến”.
Mục đích của những thủ đoạn đánh phá này là nhắm tới việc “loại bỏ, triệt hạ uy tín, chụp mũ với mục đích tối hậu là phi nhân hóa đối phương”, bù nhìn, Việt gian bỗng trở thành một tầng lớp người Việt cần phải loại trừ. (và ngược lại danh từ Việt cộng được sử dụng tại miền Nam cũng mang một chiều hướng tương tự nhắm tới người cộng sản)
Gọi QĐVNCH là bù nhìn cho phép Hà Nội đánh đổ tính chính nghĩa quốc gia của quân đội miền Nam. Chiến dịch tuyên truyền này rất quan trọng đối với nỗ lực chiến tranh của miền Bắc, trong việc tuyên truyền về huyền thoại: “Kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược” thì bằng mọi giá phải phủ định là Chiến tranh Việt Nam chính là một cuộc nội chiến giữa người Việt với người Việt.

Bức tranh “cổ động” ở miền Bắc cho thấy tâm lý kỳ thị cũng được khai thác cho công tác tuyên truyền của Bắc Việt.Miền Nam được vẽ là một người đàn ông da đen già yếu. Khi trình bày miền Nam như người châu Phi, đối với Hà Nội đó là cách phi nhân hóa và loại bỏ “Việt tính” của miền Nam. Thật đáng ngạc nhiên, để đả kích đối phương, Bắc Việt lại sử dụng yếu tố phân biệt chủng tộc như Hoa kỳ trong chiến dịch bôi nhọ miền Nam.
Chúng ta bị nhồi nhét về ấn tượng một quân đội miền Nam Việt Nam như đội quân bù nhìn và điều ấy phù hợp với câu nói: “Lịch sử vốn được viết bởi những người chiến thắng” mà ở đây phe thắng cuộc là bắc Việt, và lịch sử đã được viết lại theo định hướng của Hà Nội. Việc hạ bệ miền Nam trước hết là xóa bỏ toàn bộ vai trò của miền Nam trong ký ức chiến tranh Việt Nam. Công việc tuyên truyền này, cộng với tuyên bố của một số quân nhân trong quân đội Hoa Kỳ đã in sâu vào tâm trí quần chúng hình ảnh một quân đội miền Nam bất tài và thiếu chính nghĩa quốc gia.
Thế nhưng, gần 50 năm sau khi chiến tranh Việt nam bắt đầu (1954), một khuynh hướng mới trong nhận định về QĐVNCH cũng bắt đầu nẩy sinh. Với những nghiên cứu sử học mới về chiến tranh Việt Nam, chúng ta khám phá ra một hình ảnh khác về một quân đội miền Nam Việt Nam đầy năng lực và đáng kính trọng mà chúng ta chưa hề nghĩ đến.
Việc Đảng Cộng Sản dùng đường lối tuyên truyền nặng chất phỉ bang, kỳ thị để đánh phá những người Quốc gia như một phương tiện tuyên truyền đã có từ thời chiến tranh Đông Dương. Vào năm 1951, Việt Minh ở Vĩnh Long đã từng tuyên truyền rằng “Quân đội Pháp biến người Việt thành những người lính đánh thuê da đen”
______________________
Bài hai

QĐVNCH: Những chiến thắng bị lãng quên



Dư luận thường chỉ hiểu rất sơ sài về Chiến tranh Việt Nam qua một vài phim ảnh về sự thất thủ của Sài Gòn năm 1975. Tức là sự chiến thắng hiển nhiên của quân du kích “anh hùng” trước một quân đội miền Nam thối nát mà binh lính chỉ chực trốn chạy theo Mỹ chứ không muốn chống giữ một chế độ bù nhìn do Hoa Kỳ dựng lên.

Sự thật là, chiến thắng của Bắc Việt vào năm 1975 không hề được toan tính từ trước. Trên thực tế, trong suốt thời gian tiến triển, chiến tranh Việt Nam trở thành một cuộc tranh hùng gây cấn và bấp bênh cho cả Hà Nội lẫn Sài Gòn cũng như đồng minh của hai bên, Hoa kỳ và khối Cộng Sản. Mỗi bên đều luôn tìm cách thích ứng chiến lược và phương tiện quân sự của mình theo tình hình biến chuyển của đối phương và ngày hôm nay chúng ta được biết là trong cuộc chạy đua vũ trang này phía miền Nam 
thường tạo được nhiều chiến công hiển hách đáng ngưỡng mộ trong suốt chiều dài lịch sử của cuộc chiến.

1958-1968: chiến tranh chống du kích
Trong thời gian từ 1958-1959 dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa đánh dấu chiến thắng đầu tiên của mình khi tiêu diệt gần như toàn bộ lực lượng cộng sản miền Nam. Theo một tướng lĩnh của quân đội cộng sản là Thượng tướng Trần Văn Trà thì năm 1959 đối với người cộng sản được xem như là “giai đoạn khó khăn nhất của công cuộc giải phóng miền Nam”.
Nếu như Bắc Việt trả đòn bằng cách dựng lên Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là một lực lượng bù nhìn thực sự của người cộng sản dựa trên bạo động, khủng bố dã man để tạo ảnh hưởng ở nhiều vùng châu thổ sông Cửu Long. Tổng Thống Diệm đã phản ứng mãnh liệt và một lần nữa QĐVNCH đã phá tan những mũi tấn công của du kích quân cộng sản và đến năm 1963 thì MTGPMN hoàn toàn suy yếu, không còn khả năng uy hiếp chế độ Sài Gòn.


Tuy nhiên, mặc dù đạt được nhiều thắng lợi quân sự, chính quyền Ngô Đình Điệm gặp phải nhiều bất ổn về chính trị. Tình hình ấy khiến cho công cuộc bình định đất nước bị ngưng trệ đến khoảng cuối năm 1963. Hoa kỳ rút viện trợ và ủng hộ cuộc đảo chánh dẫn đến việc Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị ám sát. Và miền Nam bị rơi vào tình trạng hỗn loạn khiến cho du kích cộng sản có được cơ hội nổi lên khắp nơi. Vì thế Hoa Kỳ phải trực tiếp can thiệp quân sự vào năm 1965 để bảo vệ Sài Gòn và nhờ thế tình hình cũng ổn định được phần nào. Quân đội Hoa Kỳ và quân đội miền Nam Việt Nam đã lại quyền kiểm soát các thành phố, còn cộng sản thì co cụm hoành hành ở nông thôn.



Tình thế xoay chuyển đáng kể vào năm 1968, quân đội bắc Việt ra đòn quyết định khi tung ra chiến dịch “Tổng nổi dậy, Tổng công kích” tết Mậu Thân. Cùng một lúc gần cả trăm thành phố miền Nam bị tấn công. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Quân Đội Mỹ đã nhanh chóng phản công và đã ghi được nhiều chiến thắng vẻ vang nhất trong lịch sử chiến tranh.


Sau một vài chiến thắng lẻ tẻ trong đợt tấn công đầu tiên nhờ yếu tố bất ngờ, tất cả các mũi tiến công của binh lính Việt Cộng (MTGPMN) đều bị đẩy lui chỉ trong vài ngày khi phải đối mặt với quân đội Việt – Mỹ qua những trận giao tranh khốc liệt. QĐVNCH đã tỏ ra uy dũng nhất là trong trận tái chiếm thành phố Huế của đơn vị tinh nhuệ Hắc Báo do đại tá Trần Ngọc Huệ chỉ huy, với những trận đánh oai hùng để chiếm lại Thành Nội Huế. Trận đánh tàn khốc trong thành thị để giành từng căn nhà, từng tấc đất ấy đã khiến QĐVNCH tổn thất 357 binh lính và 2642 về phía Việt Cộng. Theo La tragédie du Vietnam et ses leçons củaRobert Macnamara- EditeurSeuil 01/01/1998, thì quân nhân VNCH thiệt mạng nhiều trong các trận đánh bởi vì họ vừa chiến đấu, vừa phải bảo vệ sinh mạng của người dân lánh nạn cộng sản. Một phóng viên ngoại quốc đã chứng kiến 2 quân nhân VNCH hy sinh và 1 người bị thương trước mắt ông khi họ bảo vệ một em bé thoát khỏi vùng giao tranh tại Hàng Xanh. (L’Offensive du Têt de Stéphane Mantoux)

Trong trận Mậu Thận 1968, người lính cộng sản Bắc Việt đã không từ chối bất kỳ một thủ đoạn dã man nào để dành chiến thắng. Ngày 06 tháng 05 một bộ phận của Trung Ðoàn 272 Bắc Việt đã sử dụng thường dân làm bia đỡ đạn tấn công binh sĩ nhảy dù VNCH tại ngã tư Bảy Hiền. Họ cũng đã sử dụng kỹ thuật tương tự để tấn công một đồn cảnh sát VNCH trong địa phận Chợ Lớn. Vì tính cách nhân đạo, tránh gây thiệt hại cho lương dân vô tội, các cảnh sát viên VNCH đành phải lui quân, bỏ lại trận địa cho quân du kích cộng sản chiếm đóng (Theo Trung tướng Willard Pearson Dept of The Army Washington, D.C., 1975).


Tóm lại, trận Mậu Thân 68 trên phương diện quân sự là một thất bại dành cho Bắc Việt. Khi phải đánh trực diện với QĐVNCH, các lực lượng quân chính qui cộng sản bắc Việt, du kích MTGPMN đã bị tổn thất rất nặng nề gần 80.000 binh lính thương vong (sử gia Nguyễn Liên Hằng ước tính 80% phiến quân bị tiêu diệt trong trận Mậu Thân). Đó là nhờ vào sức chiến đấu của lính Mỹ, nhưng một phần lớn cũng do bộ đội Bắc Việt kinh hoàng trước khả năng tác chiến thông minh, dũng cảm, kiên cường của QĐVNCH mà từ lâu họ vẫn luôn luôn xem thường.



Tướng Trần Văn Trà đã phải công nhận là lực lượng Bắc Việt đã phạm lỗi lầm nghiêm trọng trong việc lượng định tình hình suốt cuộc Tổng công kích tết Mậu Thân nên đã phải trả giá rất đắt:” during têt of 1968 we did not correctly evaluate the specific balance of forces between ourselves and the enemy [...] we suffered large sacrifices and losses with regard to manpower and materiel, especially cadres at the various echelons which clearly weakened us. Afterwards, we were not only unable to retain the gains we had made but had to overcome a myriad of difficulties in 1969 and 1970.”
Theo “This Time We Win: Revisiting the Tet Offensive” của James S. Robbins, một cây bút bình luận chính trị của nhật báo Washington Times. Tác giả đã dùng những tài liệu của phiá cộng sản Bắc Việt để chứng minh rằng, trái ngược với “mô tả” trên báo chí Mỹ lúc ấy, QĐVNCH đã bẻ gẫy cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân của quân đội cộng sản. Họ đã làm suy yếu lực lượng VC tới gần mức xóa xổ và gây tổn thất nặng nề hạ tầng cơ sở của đối phương tại miền Nam. Còn phiá bộ đội cộng sản Bắc Việt thì bị tinh thần xa xút trầm trọng, phần vì xa nhà, phần vì đường tiếp tế quá dài, quân số hao mòn nhanh hơn quân số bổ sung mà con đường chiến lược “đường mòn HCM” từ Bắc vào Nam có thể tiếp tế..


Cuộc tổng công kích Mậu Thân vốn không nhắm tới mục đích chiếm giữ lâu dài các tỉnh và thành phố miền Nam. Kế hoạch được vạch ra là chỉ tạm kiểm soát các vùng trọng yếu để làm bàn đạp nhằm sách động quần chúng nổi dậy cướp chính quyền. Nhưng, cả hai mục tiêu này đều đã không đạt được vì Việt cộng đã bị QĐVNCH đẩy lui hầu như ở tất cả mọi nơi và quần chúng cũng đã không nổi dậy mà còn bỏ chạy về phiá quốc gia. Tác giả Robbins đã kể ra từng trường hợp một để chứng minh rằng vụ Tết Mậu Thân không phải là “một cuộc tấn công bất ngờ” như báo chí Mỹ tường trình. Cũng không có chuyện tình báo thất bại vì kế hoạch tấn công của VC đã rơi vào tay Quân đội Nam VN và Mỹ trước đó khá lâu. Nhờ tin tức do các cán binh Bắc Việt cao cấp hồi chánh và VC trở cờ cung cấp, phiá Nam VN đã được báo động và đề phòng. Theo tài liệu hậu chiến, trong tổng số khoảng 84,000 cán binh VC tham gia cuộc tấn công Tết Mậu Thân, hơn một nửa (45,000) đã bỏ mạng.

Trương Như Tảng, một cựu đảng viên cộng sản cao cấp đã có nhận định trong cuốn “Hồi ký của một Việt Cộng” của ông rằng: Tết Mậu Thân là một tổn thất làm điên đảo hàng ngũ VC, và trớ trêu thay khi một cuộc thất bại khủng khiếp như vậy “đã được bộ máy truyên truyền của chúng ta biến thành một chiến thắng huy hoàng”. Robbins cho rằng khi ấy, thay vì thừa thắng xông lên để đè bẹp VC thì TT Johnson, với quan niệm chiến lược “chiến tranh giới hạn” đã để cho đối phương có thời gian để phục hồi. Cho tới mấy năm sau, vào giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến với sự sa lầy của Mỹ, Tổng thống Nixon mới ra lệnh oanh tạc toàn miền Bắc VN nhằm mục đích đem tù binh Mỹ về nước. Theo Robbins, sau trận Tết Mậu Thân, ít người biết những phần tử chủ hoà ở Hà-Nội đã muốn bỏ cuộc, và việc điều đình đã được công khai thảo luận, tuy nhiên phe diều hâu với Võ Nguyên Giáp cầm đầu đã thắng và đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam. 

Mặc dù đã gặt hái được những chiến thắng quân sự, cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân lại làm rúng động tâm lý người Mỹ qua những phim ảnh về sự thảm khốc của cuộc chiến vì thế tạo được lợi thế chính trị cho Hà Nội. Mậu Thân đã ám ảnh tâm trí quần chúng Mỹ và qua đó Hoa Kỳ đã bắt đầu có những tuyên bố mâu thuẫn như việc hứa hẹn sẽ tìm cách thoát khỏi cuộc chiến một cách nhanh chóng nhất. Từ đấy Hoa kỳ chỉ tìm cách làm sao thoát khỏi cuộc chiến không thể thắng này bằng mọi cách. Vì thế mà chiến thắng quân sự của quân đội VNCH và Hoa Kỳ phải trở thành một thất bại về mặt chính trị.

1968-1973: chiến thắng trong tầm tay ?
Từ trước tết Mậu Thân 1968, thông tin về một cuộc tấn công đã loan truyền trong dư luận. Các kế hoạch hành quân dần dần được giao cho quân đội miền Nam, vì lính Mỹ bắt đầu rút dần theo chính sách Việt Nam hóa chiến tranh do Nixon quyết định.
Với sách lược mới nhằm chống bạo động, quân đội miền Nam dần tiêu diệt được quân du kích cộng sản và thu hồi lại những số vùng bị cộng sản chiếm giữ từ hồi Mậu thân. Việt Cộng chỉ còn kiểm soát được 10% dân chúng.

Một sự kiện quân sự quan trọng thường không được nhắc đến đó là QĐVNCH hầu như đã dành được chiến thắng chống chiến tranh du kích của Việt Cộng, dù rằng không loại trừ được một cách triệt để.



Năm 1970 và 1971, QĐVNCH tung các chiến dịch trên lãnh thổ Cam-bốt và Lào nhằm cắt đường tiếp vận của quân đội Bắc Việt qua đường mòn Hồ Chí Minh. QĐVNCH đã tịch thu được rất nhiều vũ khí của cộng sản bắc Việt ở Cam-bốt, còn ở Lào thì kết quả lại hạn chế hơn. Dù gây tổn thất nặng nề cho quân Bắc Việt, QĐVNCH (17.000 quân miền Nam chống trả 60.000 Bắc Việt) đã không thể cắt đứt hoàn toàn đường mòn Hồ Chí Minh trước số quân áp đảo của Bắc Việt. Chiến dịch xem như thất bại và điều ấy đã khiến cho Hà Nội coi thường thực lực của quân đội miền Nam. Chính vì sự coi thường đó mà sau này, Hà Nội phải hứng chịu những thất bại nặng nề trong chiến dịch Nguyễn Huệ mùa hè 1972.


Năm 1972, trước tình hình thất bại của chiến tranh chống bạo động cộng thêm yếu tố thất bại quân sự của QĐVNCH ở Hạ Lào, Bắc Việt vội triển khai chiến dịch Nguyễn Huệ được xem là trận đánh quy ước lớn nhất từ trước đến giờ. Hà Nội tung gần trọn số quân chính quy gần 200.000 quân và 1200 thiết giáp. Và đó là trận đánh khốc liệt để lại dấu ấn kinh hoàng trong tâm trí người dân miền Nam và trận chiến ấy được mệnh danh là “Mùa Hè Đỏ Lửa”.
Chiến trận bắt đầu bằng nhiều mũi tấn công đồng loạt rất tàn khốc khiến cho quân đội miền Nam Việt Nam gần như tê liệt, tuy nhiên QĐVNCH đã kịp thời tổ chức phòng thủ một cách rất thông minh, linh hoạt và kiêu hùng, nhất là ở các thành phố như Kontum, Quảng Trị, An Lộc, được ví như là mặt trận Verdun của Việt Nam, ở nơi đó nguời lính miền Nam phải chống trả một quân số Bắc Việt đông hơn gấp năm lần, trang bị tối tân hơn và còn được thiết giáp yểm trợ.
Trận đánh lừng danh nhất của quân đội VNCH với 100% thực lực của chính họ đó là trận An Lộc một tỉnh lỵ rộng không đầy 4 cây số vuông. Nếu đem rải đều 40.000 quân Bắc Việt trên diện tích 4 km² thì bộ đội cộng sản sẽ tràn ngập thị xã An Lộc, mỗi người cách nhau 10 mét, ngang cũng như dọc, với đủ loại vũ khí tối tân. Mức độ ác liệt của trận đánh này khiến cho nhiều ký giả quốc tế có mặt ở Việt Nam đã đánh giá là còn tàn khốc hơn trận Điện Biên Phủ gấp 10 lần. Trận giao tranh thật sự khởi đầu từ ngày 7 tháng 4/1972…
Ngày 12 tháng 4 năm 1972, Bộ Tư Lệnh cao cấp của quân đội cộng sản Bắc Việt ra khẩu lịnh cho binh lính của họ: “Cán bộ và binh sĩ phải tấn công trên khắp mặt trận. Chiến thắng ắt về”. Cũng trong ngày hôm đó, bộ máy tuyên truyền của quân đội Bắc Việt được tổ chức ngay tại quận Lộc Ninh đã làm một việc được coi là rất tồi tệ khi họ rêu rao là An Lộc đã được giải phóng, nên ngày 13 tháng 4, tất cả các chiến xa của họ đều mở nắp trên pháo tháp tiến vào thị xã An Lộc như chỗ không người. Cho đến khi xe bị bắn cháy, những quân nhân Bắc Việt gục chết mà gương mặt vẫn còn hết sức ngỡ ngàng, như còn vương thắc mắc, “Quân ta đã giải phóng An Lộc rồi kia mà?”

Ngày hôm đó số thương vong của quân Bắc Việt lên rất cao, họ bỏ lại tại trận địa hơn 100 tử sĩ cả bộ binh đi cùng thiết giáp và lính lái xe cùng với 18 chiến xa. (Battle of An Loc col. William Bill Miller, 1972.)



Quân đội cộng sản Bắc Việt đã có rất nhiều lợi thế ngay từ đầu với yếu tố bất ngờ, hỏa lực hùng hậu, quân số đông gấp bốn đến năm lần, và quân đội Việt Nam Cộng Hòa đồn trú tại An Lộc chỉ có vỏn vẹn có hơn 6000 binh sĩ. Mặc dù quân trú phòng VNCH đã phải chịu đựng khá nhiều tổn thất nhưng sau 93 ngày giao tranh, họ đã gây thiệt hại cho quân đội Bắc Việt ít nhất là 30.000 bộ đội trong tổng số 4 sư đoàn. Mưu đồ của Cộng Sản Bắc Việt mong tiến đánh thủ đô Saigon đã hoàn toàn bị chặn đứng bởi các chiến binh VNCH dũng cảm tại An Lộc” (Major General James F. Hollingsworth, “Communist Invasion in Military Regional III,” unpublished narrative, 1972).


Trong cuốn hồi ký của mình, Thượng tướng Trần văn Trà có nói: “Trận An Lộc, quân giải phóng đã chịu một thiệt hại không nhỏ nhưng từ đó chúng ta đã rút ra được những bài học vô giá cho các chiến dịch sau này. Một trong những yếu tố thất bại của chúng ta chính là sự đánh giá sai lầm về tinh thần chiến đấu của địch và sự yểm trợ hữu hiệu của hỏa lực Hoa Kỳ”. Nhờ vào sự yểm trợ dồn dập của không lực Hoa Kỳ, tuyến phòng thủ của miền Nam cũng phá vỡ được thế tấn công của chiến dịch Nguyễn Huệ. Quân đội Bắc Việt lại thêm một lần bị thảm bại với tổn thất hơn 100.000 binh sĩ và hơn một nữa số quân xa trên chiến trường.Trước thất bại thảm hại này, tướng Giáp ông tướng “nướng quân” Tổng chỉ huy lực lượng quân đội miền bắc đã phải từ chức.


Với những chiến thắng kể trên, vị trí của miền Nam chưa bao giờ được thuận lợi như thế: quân du kích bị triệt hạ, quân chính quy Bắc Việt bị tổn thất nặng nề. Hoa Kỳ còn giáng thêm một trận đòn chí mạng bằng cuộc dội bom 11 ngày đêm trên miền Bắc. Hà Nội vội mở cuộc thương thuyết hòa bình tại Paris. Robert Thompson, cố vấn Anh có kết luận như sau: Theo quan điểm của tôi vào ngày 30 tháng 12 năm 1972, sau mười một ngày dội bom hiệu quả của B 52 nhằm tấn công vào khu vực Hà Nội, miền Nam đã chiến thắng, Bắc Việt hầu như đã bị đánh gục.
Ngay những nguồn tin cộng sản cũng cho nhận định tương tự: vì bộ đội và cán bộ của chúng tôi đều mệt mỏi vì phải liên tục chiến từ tháng tư năm 1972, chúng tôi không có thời gian để lấy lại sức; các đơn vị thì trong tình trạng lộn xộn và thiếu nhân lực [...]Chúng tôi đã phải bỏ rút khỏi nhiều vùng để cho đối phương giành quyền kiểm soát (theo Tướng Trần Văn Trà).
Tuy nhiên, các trận đánh vẫn tiếp diễn, vì lực lượng miền Bắc có thể bổ sung quân số từ hậu phương, và vì mỗi sách lược tấn công miền Bắc điều có nguy cơ khiến Trung Quốc có cớ để lao vào cuộc chiến. Hơn nữa, dựa vào đường mòn Hồ Chí Minh, quân đội miền Bắc vẫn tiếp viện và duy trì một quân số quan trọng tại miền Nam tạo thế uy hiếp thường trực. Tuy nhiên theo sử gia Andrew Wiest thì quân lực VNCH với sự yểm trợ mạnh mẽ của không lực Hoa kỳ có thể đánh bại bất kỳ một đội quân cộng sản nào.

1973-1975 bỏ rơi và thất bại
Mặc dù hiệp định đình chiến đã được ký kết từ năm 1973, nhưng trên thực tế hòa bình cũng vẫn là ảo vọng. Hà Nội cũng vẫn đeo đuổi chính sách thống nhất bằng bạo lực như nội dung của Nghị quyết 21 của Ủy ban trung ương đảng cộng sản bắc Việt năm 1974, thì con đường cách mạng miền Nam chính là con đường bạo lực cách mạng.

Những xung đột lại nhanh chóng trở lại. Thế nhưng lần này, Hoa Kỳ lại thay đổi chính sách và bắt đầu bỏ rơi chính quyền Sài Gòn: hụt hơi vì chiến tranh Việt Nam, quốc hội Hoa Kỳ giảm mạnh viện trợ quân sự cho miền Nam Việt Nam. Khi Tổng Thống Thiệu cần 1.5 tỷ đô la cho nổ lực quân sự thì miền nam chỉ nhận được 500 triệu Mỹ kim tiền viện trợ.


Từ đó QĐVNCH phải chiến đấu theo “kiểu con nhà nghèo”, nhiên liệu và đạn được đều bị hạn chế. Ngay cả dụng cụ y tế căn bản cũng thiếu: người ta phải khử trùng kim tiêm sử dụng một lần để dùng lại. Theo tướng Murray tình trạng thiếu thốn này khiến cho tính mạng của người lính miền Nam trên chiến trường trở nên càng nguy hiểm, họ đã phải đánh đổi mạng sống của mình.
Khi cộng sản Bắc Việt tung chiến dịch tổng tấn công năm 1975, miền Nam đơn giản đã không còn đủ quân nhu và vũ khí để chống trả. Cộng với việc cắt giảm viện trợ khiến cho khả năng thất bại là không thể tránh khỏi, số phận miền Nam còn phải chịu những quyết định sai lầm của các tướng lãnh. Tổng thống Thiệu vì muốn tập trung lực lượng nhằm đối đầu với cuộc tấn công của cộng quân nên đã khiến cho tan rã mô hình tổ chức phòng thủ của miền Nam qua việc hạ lệnh triệt thoái khỏi Cao Nguyên.
Cuộc triệt thóai đã trở thành một cuộc rút quân đầy hổn loạn và Sài gòn thất thủ sau 55 ngày tấn công của Cộng quân (có người cho rằng cuộc triệt thoái này là một ván bài sinh mệnh mà tổng thống Thiệu đã sử dụng để tạo sức ép lên quốc hội Hoa Kỳ trong việc bỏ phiếu tăng viện trợ, xem Naran R Chanda “les raisons d’une débâcle” (nguyên nhân của sự sụp đổ).


Thế nhưng, sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Sài Gòn cũng không thể che lấp một thực tế đó là: cho dù sự bại trận có là hiển nhiên đi chăng nữa thì binh lính VNCH vẫn đánh trả mãnh liệt, dũng cảm cho đến những giây phút cuối cùng của ngày 30 tháng 04 năm 1975.
Tại mặt trận Xuân lộc, nằm ngay cửa ngõ Sài gòn, sư đoàn 18 bộ binh với quân số thiếu hụt do tướng Lê Minh Đảo chỉ huy đã giữ vững phòng tuyến ròng rã 11 ngày đêm trước sự tấn công ồ ạt của 3 sư đoàn cộng quân với dưới trận mưa pháo của gần 20.000 quả đạn. Cộng quân bị thiệt hại gần 5000 binh sĩ và 37 chiến xa và Xuân Lộc trở thành nỗi ám ảnh của họ về một trận địa với tổn thất kinh hoàng.
Trận tử thủ hào hùng ở chiến trường Xuân Lộc đã cho phép QĐVNCH lấy lại uy danh của mình trong những ngày giờ đen tối nhất của lịch sử miền Nam, theo nhận định của sử gia George Weith.



Ngược lại với suy nghĩ sai lầm là thủ đô Sài Gòn bị thất thủ không một tiếng súng, QĐVNCH đã anh dũng bảo vệ thủ đô Sài gòn trong trận đánh cuối cùng. Người lính miền Nam đã cố bảo vệ thủ đô Sài gòn trong một điều kiện thật sự bi đát: thiếu đạn được, thiếu chỉ đạo và đường hướng chính trị vì tổng thống Thiệu đã từ chức. QĐVNCH còn phạm một sai lầm quan trọng khiến cho bối cảnh càng thêm đen tối khi cất nhắc chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh lên vai trò Phó Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một người mà chính quyền miền nam luôn luôn tình nghi là gián điệp cộng sản nằm vùng.


Và dù tình hình trở nên hoàn toàn tuyệt vọng, dân quân miền Nam vẫn quyết tâm đánh giữ. Đến những phút cuối cùng của trận chiến, QĐVNCH còn tổ chức được vài cuộc phản công dữ dội khiến sư các sư đoàn bắc Việt tổn thất hơn 6000 binh lính với hàng trăm chiến xa gồm 33 thiết giáp. Các chỉ huy của quân đội cộng sản cũng công nhận sự cố thủ mạnh mẽ của QLVNCH trong những ngày cuối cùng, theo Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, chỉ huy Quân Đoàn 2 (còn có tên gọi là binh đoàn Hương Giang) bắc Việt trong trận đánh chiếm Sài Gòn nói: “nếu ai đó bảo là chúng tôi đã chiếm được Sài gòn không tốn một viên đạn, thì tôi sẽ trao cho người đó một chiếc xẻng để đào hố cho các liệt sỹ đã bỏ mình cho trận chiến ấy“.
Lực lượng QĐVNCH vẫn tiếp tục kháng cự ở khu vực sông Cửu Long rất nhiều ngày sau tuyên bố đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh. Theo hồi ký của tướng Trần Văn Trà thì đơn vị cuối cùng của QĐVNCH chỉ đầu hàng tại Châu Đốc vào ngày 6 tháng 5 1975 tức là một tuần sau khi chiến tranh chính thức chấm dứt, khi vũ khí đạn dược và lương thực của họ đã cạn kiệt.
Tóm lại, QĐVNCH không hèn nhát và vô dụng như sự tuyên truyền của đối phương và báo chí thân cộng. Vì cho dù có nhiều khiếm khuyết, quân đội miền Nam cũng có những chiến thắng đáng kể trong suốt trận chiến và đã anh dũng, kiên cường chiến đấu cho đến những giây phút cuối cùng.Chiến thắng của cộng sản miền Bắc thật sự là điều không thể biết trước và không ai có thể ngờ được.
Và nếu Hà Nội đã chiến thắng thì cũng không phải là nhờ vào sức mạnh của quân đội cách mạng như tuyên truyền của cộng sản miền bắc. Vì Quân Đội Nhân Dân cũng nếm rất nhiều thảm bại chua cay do QĐVNCH chủ động.
Cũng chỉ vì đã dám đề cập đến những thất bại quân sự nặng nề của quân đội cộng sản có khả năng làm cho lu mờ đi huyền thoại cuộc chiến tranh thần thánh mà vị chỉ huy chiến trường B2 – tức là vùng Sài Gòn – Gia Định là Thượng tướng Trần Văn Trà đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng Việt Nam và bị quản thúc tại gia trong vòng mấy năm trời cho đến khi chết trong quên lãng vào ngày 20 tháng 04 năm 1996.
______________________

Bài ba

QĐVNCH: Cuộc thất bại lạ lùng


Theo nghiên cứu của đại tá Stuart về sự sụp đổ của miền nàm Việt Nam trong tác phẩm The Fall of Vietnam a soldier retrospection, thì có một điểm trùng hợp trớ trêu của lịch sử đó là sự tan rã nhanh chóng của QĐVNCH năm 1975 chỉ lập lại một lần trong lịch sử bời chính quân đội Pháp năm 1940 tại Đông Dương (quân đội pháp bị quân Hitler đánh tan chỉ trong vòng 6 tuần lễ). Theo ý tưởng của hồi ký Cuộc thất bại lạ lùng của Marc Bloch viết về cuộc chiến giữa Pháp và Đức, nhiều sử gia thử tìm nguyên nhân dẫn đến sự bại trận của quân đội VNCH chỉ trong vòng 55 ngày chiến trận trong một cuộc chiến mà quân đội ấy đã chiến đấu với rất nhiều chiến công vang dội ròng rã suốt 20 năm trời.


Mặc dù trên thực tế QĐVNCH không giống như hình ảnh tiêu cực do kẻ thù tô vẽ, nhưng cũng không thể phủ nhận được rằng QĐVNCH đã vĩnh viễn thua trận. Vì dù sao thì sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn cũng phần nào do sự thiếu thốn của quân đội của mình. Trong những ngày nguy kịch của năm 1975, trong khi viện trợ của khối cộng sản dành cho miền bắc luôn dồi dào, thì viện trợ quân sự của Hoa Kỳ dành cho miền nam đã không còn nữa khiến cho tương quan lực luợng bị chênh lệch, tạo thêm điều kiện dẫn đến thất bại của miền nam. Bài viết thứ 3 sẽ khai thác về khía cạnh kể trên.

Một quân đội luôn gặp khó khăn.
Lực lượng quân sự miền nam luôn phải đối đầu với những khiếm khuyết đến từ những vấn đề nan giải:
Trước hết QĐVNCH là một quân đội còn quá non trẻ, bắt đầu từ cuối thập niên 1940 với tư cách là các đơn vị người Việt được thành lập với mục đích phục vụ cho quân đội Pháp tại Đông Dương, người Pháp vốn đa nghi, họ lo sợ người Việt sẽ quay súng lại để đuổi họ ra khỏi bán đảo Đông Dương, vì thế chưa bao giờ họ có ý định để quân đội này được tự trị, do đó những người lính Việt Nam phục vụ trong quân đội Pháp chỉ được huấn luyện sơ sài, thiếu cơ bản về quân sự, chỉ huy.
Sau đó là tình trạng nghiêm trọng vể đào ngũ. QĐVNCH luôn gặp khó khăn trong việc duy trì quân số: giữa những năm 1967 và 1971, có gần 570 000 binh lính đào ngũ. Con số trên quả là rất lớn , nhưng trên thực tế những binh lính đào ngũ này lại thường trở về gia nhập các đơn vị địa phương quân, điều ấy cho thấy nguyện vọng của họ là được ở gần người thân để chiến đấu. Và khi đó, khả năng tác chiến của họ cũng lên rất cao.
Nạn tham nhũng của một vài tướng lãnh trong quân đội miền nam cũng là một vấn nạn không hoàn toàn loại trừ được trong suốt cuộc chiến. Hình thức tham nhũng thường được biết đến đó là tệ trạng “lính ma”. Một vài tướng lãnh khai khống và thổi phồng quân số của đơn vị, bằng cách không khai tử các binh sĩ tử trận để tiếp tục biển thủ tiền lương của họ.
Và vấn nạn gây khó khăn lớn nhất cho quân đội miền nam rõ ràng là vấn đề về tài năng của các tướng lãnh, tướng tài và tướng tồi không đồng điệu, thậm chí tướng tồi còn có vẻ chiếm đa số.


Tuy nhiên, QLVNCH vẫn còn rất nhiều sĩ quan cao, trung cấp có năng lực không thua gì các sĩ quan Hoa Kỳ. Nhiều khi, họ còn có cả những tướng lãnh nổi bật như một vị tướng chỉ huy trưởng lực lượng cảnh sát miền Nam. Ở cương vị của một tướng cầm đầu toàn bộ các cơ quan cảnh sát, an ninh. Không ai có thể bắt buộc ông phải trực tiếp có mặt tại chiến trường. Nhưng ông đã dám làm một việc mà ít có tướng lãnh nào của Hoa Kỳ dám làm. Trong trận Tết Mậu Thân ông đã đánh bật quân du kích cũng như quân chính qui cộng sản ra khỏi khu vực C bao gồm các quận nội thành 1, 2, 3, 4, 5. Tuy nhiên, danh dự, uy tín của ông đã bị bôi nhọ bởi một tấm ảnh của phóng viên người Mỹ Edie Adams. Vị tướng mà tôi muốn nói đó chính là Tướng Loan. (Stalking the Vietcong: Inside Operation Phoenix).
Sau khi tướng Loan lìa đời, nhà báo Eddie Adams đã gửi lời viếng và bày tỏ sự ân hận vì những tác động của bức ảnh lên cuộc sống của tướng Loan như sau:
“Người này là một anh hùng. Nước Mỹ đáng lẽ phải tiếc thương ông ta. Tôi rất tiếc là đã để cho ông ta ra đi như thế này, trong khi người ta không hề biết một chút gì về ông ta cả.” (nguyên văn: “The guy was a hero. America should be crying. I just hate to see him go this way, without people knowing anything about him“)


Cuộc tổng tấn công năm 1972 cho ta một vài thí dụ điển hình. Tệ hại nhất có lẽ là tướng Hoàng Xuân Lãm, dù nhận được tin cầu cứu của thuộc cấp, ông ta vẫn thản nhiên rời vị trí chỉ huy ngay trong lúc quân Bắc Việt  tung chiến dịch tổng tấn công … chỉ vì lo lỡ mất ván tennis. Và vị tướng anh dũng nhất có lẽ chính là tướng Ngô Quang Trưởng, một trong những tướng lãnh tài danh nhất của QĐVNCH, ông đã thay thế chức vụ chỉ huy của tướng Hoàng Xuân Lãm và đã chặn đứng được mũi tấn công của cộng quân và chiếm lại cổ thành Quảng Trị chỉ với 3 sư đoàn VNCH ông đã đánh bật 6 sư đoàn bắc Việt.


Tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng không kém phần tệ hại. Ông giữ chức vụ phó tổng thống và tính ông thường lập dị, và ông cũng hay tuyên bố, không rõ thực hư ra sao, rằng ông ngưỡng mộ …Adolph Hitler. Trong lúc tình hình còn hỗn loạn với một lớp chính khách và chính quyền trong tình trạng bất ổn, tướng Nguyễn Cao Kỳ còn âm mưu đảo chánh vào tháng tư năm 1975, khi cộng quân đang uy hiếp ngoài cửa ngõ Sài Gòn. Vào những giây phút cuối ông cũng phải tán thưởng tướng Lê Minh Đảo, một tướng lãnh tài ba, dũng cảm nhất vào giai đoạn ấy.


Tướng Lê Minh Đảo đã chỉ huy mặt trận Xuân Lộc, và tổ chức một tuyến phòng thủ vững chắc khiến cho trong đội ngũ của quân Bắc Việt phải thán phục, và ông đã trả lời thẳng thừng với tướng Nguyễn Cao Kỳ “Tôi bận đánh với quân cộng sản tôi không tham gia” “Too busy fighting the communist, can not participate”.


Về mặt cấu trúc, QĐVNCH đã tiềm ẩn những khiếm khuyết căn bản từ thiết kế ban đầu với những lựa chọn có phần không được thỏa đáng : QĐVNCH vốn không được xây dựng để có thể chiến đấu độc lập mà không cần sự hẫu thuẫn của quân lực Hoa Kỳ.
Kinh tế miền nam, vốn là một nước nghèo, cũng không đủ khả năng tài chính để bảo tồn và duy trì một quân đội hiện đại như thế, và được xem như mô hình thu nhỏ theo kiểu quân đội Hoa Kỳ. Cho nên QĐVNCH lệ thuộc vào Hoa Kỳ trên phương diện hậu cần tiếp vận, trên phương diện đào tạo binh lính và sỹ quan, và nhất là về phương diện không lực Hoa Kỳ. Chừng nào còn nhận được tiếp viện và yểm trợ của Hoa Kỳ thì chừng ấy QĐVNCH còn chiến đấu được hiệu quả và thậm chí còn chiếm được đa phần ưu thế.
Nhưng một khi tiếp viện và yểm trợ bị cắt giảm gần như hoàn toàn thì miền nam Việt Nam không còn nguồn tài lực cần thiết để có thể bảo đảm cho sự vận hành của guồng máy quân sự quá nặng nề của mình, và vì vậy QĐVNCH bị tan rã trước cuộc tấn công quyết liệt của cộng quân. Theo sử gia Andriew Wiest thì liên minh Nam Việt – Hoa Kỳ tỏ ra hiệu quả về mặt chiến lược, vì đã tạo điều kiện cho QĐVNCH dựa vào thế lực của quân đội Hoa Kỳ mà gặt hái được nhiều chiến thắng quan trọng. Thế nhưng ông cũng cho rằng mối liên minh kể trên cũng có những khiếm khuyết mang tầm chiến lược vì nó đã không có đủ thời gian lẫn phương tiện cho phép QĐVNCH có thể chiến đấu một cách độc lập. Và các tướng lãnh chỉ huy QĐVNCH cũng đã không thành công trong việc tái cấu trúc quân đội theo khuynh hướng tự lập, tự cường kể trên. Sự thiếu hụt đó đã gia tăng trầm trọng dẫn đến nguy cơ tan rã cùng với sự rút lui của quân đội Hoa Kỳ khỏi Đông Nam Á.


Nhiều người chì trích vì cho rằng miền nam Việt Nam lệ thuộc vào Hoa-kỳ, cho nên QĐVNCH đã yếu kém từ bước đầu thành lập và vì thế chính quyền Sài-gòn bị xem là không có chủ quyền. Nếu nói rằng chỉ cần nhận viện trợ quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ là bị xem như là mất chủ quyền thì sẽ có khối quốc gia sẽ bị dán nhãn mác bù nhìn cho Mỹ. Thí dụ như Pháp, Đức, Hòa Lan, Bỉ, Thổ-nhĩ-kỳ, Hy-lạp, Đài-loan, Nhật bản, Nam Hàn nhiều quốc gia ở Âu châu cũng đều đã nhận được viện trợ quân sự của Hoa-kỳ ở mức độ hoặc bằng hoặc hơn cả số viện trợ mà Việt Nam Cộng Hòa đã đón nhận.    
Riêng về Nam Hàn hơn 60 năm  kể từ ngày thành lập, quân đội Nam Hàn cũng vẫn đón nhận hỗ trợ chiến thuật của Hoa Kỳ. Và chính phủ Nam Hàn cũng vẫn thiết tha yêu cầu kéo dài hơn sự trợ giúp quân sự của Hoa Kỳ.


Dù sao thì QĐVNCH cũng có phần phạm sai lầm khiến cho uy tín của mình bị giảm sút một phần nhất định trong lòng dân quân miền nam, đối với dư luận Hoa-kỳ và tạo những sơ hở để phía cộng sản lợi dụng tuyền truyền chống phá. Và nhất là, như Marcelino Truong mô tả, việc chấp thuận cho Hoa Kỳ sử dụng vũ khí khai quang nhất là chất hóa học màu da cam làm hủy hoại nghiêm trọng môi trường sống, đã không tạo điều kiện thuận lợi cho QĐVNCH trong cuộc chiến tâm lý dành lấy nhân tâm.



50 năm sau kể từ khi chiến tranh Việt Nam bắt đầu, một cách nhìn mới về lịch sử chiến tranh Việt Nam dần dần được hình thành. Quân đội miền nam Việt Nam không phải là một đội quân bù nhìn như dư luận thường châm biếm. Cái nhìn sai lệch này đến từ sự tuyên truyền của Hà Nội và sự thờ ơ gần như là chối bỏ của một số truyền thông cũng như giới quân sự Hoa Kỳ. Vì dù QĐVNCH không phải là một quân đội hoàn hảo thậm chí còn non trẻ với rất nhiều khiếm khuyết, nhưng quân đội ấy cũng đã có những đơn vị thiện chiến bậc nhất như : binh chủng dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, không quân, hải quân và lục quân, thậm chí cả các đơn vị nghĩa quân, địa phương quân, nhất là các binh chủng kể trên đều đã tỏ ra không hề thua kém các binh chủng Hoa Kỳ.    

Và điều mà chúng ta có thể ghi nhớ đó là: mặc dù dư luận có cho là QĐVNCH đã ỷ vào viện trợ hùng hậu của Hoa Kỳ hay những yếu kém của quân đội miền nam, thì trong suốt quá trình chiến tranh, QĐVNCH đã dành được những chiến công đáng kể. Thậm chí, như sử gia Andrew Wiest nhận định “nếu không có những ván cờ chính trị đen tối thì miền nam đã rất gần với chiến thắng cuối cùng“.


Sự sụp đổ của miền nam đúng là không thể tính trước. Hà Nội chỉ thật sự chiếm được ưu thế tuyệt đối về quân sự đối với quân lực VNCH vào khoảng cuối của cuộc chiến năm 1975. Chiến thắng cuối cùng của Bắc Việt cũng có phần may mắn. Đại tá Bùi Tín của QĐNDVN, người đã tiếp nhận tuyên bố đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh nói rằng :
bây giờ nhìn lại, tôi nhận thấy rằng chúng tôi đã có được một may mắn bất ngờ và hy hữu [...]đó là quyết định triệt thoái cao nguyên của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vào tháng 3 năm 1975. Quyết định ấy khởi đầu từ việc Quốc Hội Hoa Kỳ từ chối thông qua lệnh viện trợ cho VNCH thêm 1.5 tỷ dolla trong khi ấy nước Mỹ đã viện trợ cho miền nam Việt Nam gần 60 tỷ mỹ kim ròng rã 9 năm trời. Đây là điều mà chúng tôi khó có thể tiên liệu được từ một nền dân chủ vốn là mô hình chính trị tự do dân chủ cho miền nam Việt Nam”
Theo sử gia George Veilth thì nếu Hoa Kỳ giữ nguyên viện trợ thì có thể cục diện chiến tranh đã có thể thay đổi :
Quân đội miền nam còn xa mới giống như hình ảnh một quân đội thiếu năng lực như người ta thường miêu tả. Nhiều tướng lãnh và binh sĩ VNCH đã tỏ ra rất kiêu hùng một cách đáng kính phục trong các trận đánh như ở Tân Sơn Nhất, Hố Nai, Xuân Lộc và ở nhiều nơi khác nữa. Đến năm 1973, miền nam mặc dù phải đối đầu với nhiều vấn đề nội bộ và kinh tế, đã có thể phát triển quân đội của mình thành một lực lượng có thể đánh bại quân Bắc Việt. Nếu được tiếp tục viện trợ sau hiệp định đình chiến thì kết quả chiến tranh đã có thể đã rất khác“.    


Còn theo sử gia Nguyễn Liên Hằng thì lợi thế của Hà Nội có lẽ không nằm ở phương diện quân sự mà chính là trên binh diện chính trị và ngoại giao. Quân đội Bắc Việt thật sự chưa từng thật sự đánh bại quân đội Hoa Kỳ và VNCH ngoài trận địa. Một vài nguồn tin cộng sản cho rằng : Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa, và cho dù VNCH đã không tiêu diệt được hoàn toàn cộng sản miền nam thì cũng đã không bại trận vào năm 1973. Và theo như lời một thuộc cấp của tướng Trần Văn Trà  trong lần ký kết hiệp định Paris thì “Hoa Kỳ bỏ rơi con rối VNCH, nó đã không bị sụp đổ mà thậm chí còn hùng mạnh hơn“.
Chiến tranh Việt Nam thật ra là một cuộc chiến trường kỳ, cần sự kiên trì, thế nhưng phe Dân chủ đã không đủ kiên nhẫn và đã bỏ rơi đồng minh VNCH  chiến đấu trong tình trạng thiếu thốn trước một đối phương độc tài cộng sản. 
Bàn lại về vấn đề lịch sử QĐVNCH, là đem đến một nhận định mới về chiến tranh Việt Nam mà Hà Nội vẫn rêu rao gọi là “cuộc chiến tranh chống Mỹ “. Với tổn thất về nhân mạng cả tử trận lẫn thương binh lên đến hơn cả triệu người, sự hy sinh to lớn của miền nam nói lên một sự thât khác hẳn lịch sử chính thức của cộng sản : chiến tranh việt nam là một cuộc nội chiến giữa người Việt với người Việt.



Người lính miền nam Việt Nam cũng không phải là con rối : bằng vào tài năng quân sự mà người lính miền nam đã thể hiện trong suốt chiều dài cuộc chiến, người lính VNCH đã không hổ danh với truyền thống chiến đấu kiêu hùng của dân tộc Việt Nam, do đó người lính miền nam tỏ ra không không hề thua kém, thậm trí còn vượt trội người anh em phương Bắc về biệt tài quân sự, chiến đấu mang tính truyền thống của dân tộc Việt Nam.


Và cho dù dư luận có chấp nhận quan điểm của một vài sử gia cho rằng chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến không thể chiến thắng và thậm chí còn vô nhân đạo, thì như thế liệu có đủ để chối bỏ nổ lực không ngừng nghỉ của dân quân miền nam Việt Nam đã bỏ ra để tự vệ trước sự uy hiếp của một miên bắc hiếu chiến, hiếu thắng vào thời bấy giờ đã hoàn toàn bị khống chế bởi một chế độ độc tài cộng sản không ?
Vì cho dù các nhà lãnh đạo Sài Gòn đã gặp khó khăn trong việc tranh thủ quần chúng nhân dân miền nam hoàn toàn đứng về phía mình, thì người cộng sản cũng đã chẳng bao giờ thành công trong việc thu phục nhân tâm người miền nam, theo sử gia Nguyễn Liên Hằng.


Chúng ta cũng có thể nói thêm là sở dĩ QĐVNCH bị chìm trong bóng tối, có thể cũng do đức tính khiêm tốn của người lính miền nam, vốn rất ít khi nói về sứ mạng mình. ” Please do not call me a hero. My men who died at xuan loc and a hundred battles before are the true heroes “Xin đừng gọi tôi là anh hùng. Anh em đồng đội tôi đã chết ở trận địa Xuân Lộc và hàng ngàn những chiến binh đã chiến đấu trước kia, chính họ mới thật sự là những người anh hùng“, lời của tướng Lê Minh Đảo trả lời phỏng vấn sử gia George Veith.
Và Veith đã trả lời như một lời kết luận cho bài viết của mình:
“ There is no need to call  Le Minh Dao a hero. Some truths are self evident.
Không cần gọi tướng Lê Minh Đảo là anh hùng. Vì điều ấy là sự thật hiển nhiên
Đến đây, chúng tôi xin được tạm kết thúc bài viết này. Chúng tôi xin kính dâng lên anh linh của các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh cho lý tưởng tự do cao cả. Đồng thời cũng thành kính gửi đến các chiến sĩ, thương phế binh QĐVNCH đang còn sống món quà tạ lỗi quá muộn màng của thế hệ đàn em. Chúng tôi không có kỳ vọng gì cao cả khi gửi đến các anh vài chục trang giấy mỏng này ngoài mục đích mong muốn được rửa những vết nhơ mà những người cộng sản và quá khứ đã bôi bẩn lên các anh.
Ngày 30 tháng 04 lại săp đến, kính mong các anh đón nhận bài viết này với tất cả tấm lòng thương yêu, trân trọng của thế hệ đàn em, con cháu.

Bùi-Đại và Đặng-Vũ Tùng

(Sưu tầm, biên soạn và dịch thuật)

Nguồn Tham Khào Bài 1
•        Fight for the long Haul , The war as seen by a soldier in the People’s Army of
         Vietnam, Bui tin Rolling Thunder in a gentle land The vietnam war revisted
          Editor andrew wiest
•        Vietnam: History of the Bulwark B2 Theatre , Tra Van Tra
•        Vietnam’s Forgotten Army: Heroism and Betrayal in the ARVN U.S. Army Heritage
          and Education Center Lecture Date: Apr. 21, 2010  Dr. Andrew A. Wiest
•        Triumph Forsaken: The Vietnam War, 1954–1965 Mark moyar
•        Black April ,George Veith
•        La guerre du Vietnam , John Prados
•        America in Viet Nam Guenter lewy
•        A Better War: The Unexamined Victories and the Final Tragedy of America’s Last
         Years in Vietnam Lewis sorley
•        Goscha, Christopher, Vietnam, un Etat né de la guerre, 1945-1954, Paris, Armand
          Colin, 2011, 400 p.
Nguồn tham khảo bài 2:
•  Le premier recit complet des guerres du Vietnam (Presses De La Cité – 2001)
•  The Vietnam War: A Concise International History by Mark Atwood Lawrence. 23-06-2010
•  Les Americains et la guerre du Vietnam. Jacques Portes . 1998.
•   A Rumor of War by Philip Caputo. 15-11-1996.
•  Vietnam: The Real War: A Photographic History by the Associated Press by Pete Hamill (Oct 1, 2013)
•  America, the Vietnam War, and the World: Comparative and International. Perspectives (Publications of the German Historical Institute). September 4, 2003. By Andreas W. Daum (Editor), Lloyd C. Gardner (Editor), Wilfried Mausbach (Editor).
•  Andrew Wiest, ed. Lâm Quang Thi. Rolling Thunder In A Gentle Land. Chapter 6. Oxford: Osprey Publishing, 2006.
•  Mémoire d’un Vietcong, bản dịch Tiếng Anh là “A Vietcong Memoir”, tiếng Việt Là “Hồi Ký của một Việt Cộng”. Hồi ký của Trương như Tảng, viết chung với David      Chanoff và Đoàn văn Toại.
•  Guerres et reconnaissance (Delphine Deschaux-Beaume, Thomas Lindemann, Christophe Wasinski –Editeur L’Harmattan 07/01/ 2013)

Nguồn tham khảo bài 3:
  • Nam Counterinsurgency  (Frank Scotton – Texas Tech Press, US)

    • Vietnam : La guerre, la terre et les hommes (Jean-Claude Labbéet, Jean Lacouture – Chêne 1977)
    • Bullets, Beans and Bandages : Australians at War in Viet Nam (Gary Mc Kay – 1999)
    • Les Américains et la guerre du Vietnam (Jacques Portes – Editions Complexe (15/01/1999)
    • La guerre du Viêt Nam (John PRADOS Editeur PERRIN – 06/10/2011)
    • L’Offensive du Têt : 30 janvier-mai 1968 (Stéphane Mantoux -  Editions Tallandier 29/08/2013)
    • Dépêches du Vietnam (John Steinbeck Editeur Belles Lettres)
    • XinLoi, Viet Nam: Thirty-one Months of War: A Soldier’s Memoir (Al Sever –
    • EditeurPresidioPress 04/02/2009)
    • Night of the Silver Stars: The Battle of Lang Vei (William R. Phillips)
    • VIETNAM: Spooky and Civil Affairs: Some Positive Memories (Larry Wooster)
    • Southeast Asia: A Historical Encyclopedia, from Angkor Wat to East Timor – Volume II (Editor OoiKeat Gin)
    • Henri Huet : J’étais photographe de guerre au Viêtnam (Horst Faas& Hélène Gédouin – Editeur Chne 24/08/2006)
    ·        Avec le recul : La tragédie du Vietnam et ses leçons (Robert Macnamara- EditeurSeuil 01/01/1998)
    ·        La lutte contre le Vietcong – l’offensive du Tet – Le siège de KheSanh – la guerre aerienne et les route d’approvisionnement Laotiennes – La guerre du VietNam (Editeur HACHETTE No 54 – 01/03/1983)
    ·        Guerres et reconnaissance (Delphine Deschaux-Beaume, Thomas Lindemann, Christophe Wasinski -  Editeur L’Harmattan 07/01/ 2013
    ·        Histoire des guerres du VietNam (collectif du Puy-Montbrun Westmorland – Editeur  Elsevier 1980)
    • Stalking the Vietcong: Inside Operation Phoenix: A Personal Account by Stuart Herrington.


    No comments:

    Post a Comment